Doanh nghiệp dệt may nước ngoài vào Việt Nam đón TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã có thêm nhiều doanh nghiệp dệt may, sản xuất xơ, sợi nước ngoài tìm đến Việt Nam để xây dựng nhà máy với quy mô vốn đầu tư lớn.

Mới đây nhất, Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định, nhà đầu tư này sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 8 ha tại KCN Bảo Minh, với công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệum/năm; nhuộm 24 triệu m/năm. Nhà đầu tư dự kiến sẽ đưa nhà máy này vào khai thác giữa năm 2016.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó tại TPHCM, Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan, Trung Quốc) đã cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Dự án đặt tại KCN Đông Nam này hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho 3.550 lao động.

Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma... đã cam kết đầu tư  140 triệu USD vào TP HCM.

Theo Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), nhà đầu tư này thành lập Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) để phát triển dự án thành lập trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp trên diện tích 45 héc ta tại KCN Đông Nam. Theo nhận định của Hepza, đây là dự án nhằm chuẩn bị đón đầu cơ hội gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2013, đã có hàng loạt công ty, tập đoàn lớn chuyên sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm đến từ các quốc gia có ngành dệt may phát triển như: Texhong và Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Trung Quốc); Toray International và Mitsui (Nhật Bản); Lenzing (Áo) đã đến triển khai nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu tại các địa phương của Việt Nam.

Khi tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế ở góc độ xuất khẩu hàng ra thế giới, nhưng quy định xuất xứ "từ sợi" (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác (không có Trung Quốc).

Chính vì vậy, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, gồm cả Đài Loan, Hong Kong... đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất dệt, sợi, nhuộm... để đón đầu TPP.

Rõ ràng là các doanh nghiệp dệt may nước ngoài rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt khi thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP.

Không chỉ có thị trường Mỹ, những thị trường lớn, giàu tiềm năng của Dệt may Việt Nam khác như Nhật Bản, Canada, Australia… đều là thành viên TPP, nên cơ hội mở rộng thị phần của dệt may Việt Nam là rất lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần