Doanh nghiệp đối mặt nguy cơ mất thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được coi là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng khi hàng hóa đến với những thị trường mới, đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn.

Doanh nghiệp đối mặt nguy cơ mất thị trường - Ảnh 1Tuy nhiên, việc chậm trễ xây dựng CDĐL đã khiến không ít mặt hàng nông sản đặc sản, nhiều thương hiệu có nguy cơ mất thị trường. Để làm rõ thực trạng này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Thanh - Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT - Bộ KH&CN).

Chưa khai thác hết giá trị

Cùng với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do, đồng thời có riêng một hành lang pháp lý, tuy nhiên, CDĐL vẫn chưa được nhiều DN trong nước quan tâm. Thực trạng này có nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Theo tôi, việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tài sản trí tuệ này chưa được nhiều DN coi như một chiến lược phát triển lâu dài. Thứ hai, vấn đề nhu cầu, khả năng và sự thành công của DN trong khai thác tài sản trí tuệ phải xuất phát từ nhu cầu thực sự. Thứ ba, năng lực về lĩnh vực SHTT, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài (thị trường xuất khẩu) còn khá hạn chế, nhiều DN có tiềm năng và khả năng ở thị trường trong nước, nhưng khi tiếp cận ra thị trường quốc tế thì khá mơ hồ và thụ động trong vấn đề thương hiệu. DN chỉ quan tâm đến bán sản phẩm thay vì phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là bản thân và cách nhìn nhận của DN. Chính sách hiện nay không phải là vấn đề chính, có chăng đó chỉ là sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.

Hiện Việt Nam có hơn 800 mặt hàng nông sản, nhưng chỉ rất ít trong số đó được đăng ký CDĐL. Thực trạng này lỗi hoàn toàn thuộc về DN?

- Tính đến nay, mới có 42 sản phẩm của DN trong nước đăng ký CDĐL tại thị trường Việt Nam, 2 CDĐL được bảo hộ ở nước ngoài (bao gồm: Nước mắm Phú Quốc tại liên minh châu Âu và cà phê Buôn Ma Thuột tại Thái Lan). Nhìn trên khía cạnh về quản lý và sử dụng CDĐL, chúng ta thấy rằng, quá trình này còn khá chậm và còn nhiều hạn chế. Sắp tới, Cục SHTT cùng với các cơ quan, viện nghiên cứu, các chuyên gia sẽ có những hoạt động đánh giá lại tổng thể để xác định những khó khăn, đề xuất những giải pháp (cả về thể chế và giải pháp hỗ trợ) nhằm nâng cao giá trị mà CDĐL có thể mang lại trên thị trường.

CDĐL cũng là công cụ bảo hộ thương mại

Hàng rào phi thuế quan được nhiều nước quan tâm khi các hiệp định thương mại được thực thi. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của CDĐL trong việc bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cũng như hỗ trợ xuất khẩu?

- Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại, điển hình như EVFTA, TPP… trong đó, lĩnh vực sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề quan trọng. Với mức độ bảo hộ cao của CDĐL, nếu chúng ta không chủ động khai thác, sử dụng CDĐL để bảo hộ cho sản phẩm sản xuất trong nước sẽ là một thiệt thòi cho cộng đồng sản xuất, đồng thời có thể gây ra những hệ lụy như trường hợp một số tên gọi của Việt Nam bị đăng ký ở nước ngoài.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu, việc sử dụng dấu hiệu CDĐL là cần thiết, đặc biệt là các thị trường đã xây dựng được hình ảnh và dấu hiệu nhận diện tốt như châu Âu, Nhật Bản… Nó sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển thương mại và giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó là các hình thức khác để bảo hộ sản phẩm như nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thương mại…

CDĐL thể hiện giá trị của cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh nhưng nó cũng giúp phát triển các ngành kinh tế khác. Vậy DN và các địa phương cần tiếp cận vấn đề này như thế nào?

- Khả năng phát triển thương mại không chỉ là tên gọi, nó bao hàm nhiều yếu tố khác như chất lượng dịch vụ, sự cam kết của DN, các yếu tố chất lượng khác ngoài dấu hiệu của CDĐL… Vì vậy, tôi cho rằng, các DN nên tiếp cận CDĐL như một công cụ bảo hộ thương mại hữu hiệu trong việc phát triển thị trường cho sản phẩm. Xem nó như một bàn đạp để xây dựng hình ảnh của DN gắn với thị trường và người tiêu dùng.

Đối với các địa phương, ngoài khía cạnh về hỗ trợ thương mại, CDĐL còn là công cụ để liên tục đổi mới sản phẩm, hỗ trợ phát triển văn hóa, du lịch… Vì thế, cần xác định những sản phẩm có lợi thế, xây dựng kế hoạch để đăng ký bảo hộ CDĐL, chủ động đón nhận những tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần