Doanh nghiệp giấy trước FTA

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trước đến nay, thực trạng của ngành giấy vẫn là nhiều DN nhỏ lẻ, sản phẩm không đạt chất lượng, phụ thuộc vào hàng NK. Vì thế, đứng trước các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nếu muốn tồn tại và phát triển, các DN ngành giấy phải có những nỗ lực để thay đổi.

Báo động

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5-2015, kim ngạch XK giấy và các sản phẩm từ giấy của Việt Nam đạt trên 49 triệu USD, trong khi trị giá hàng NK đạt trên 174,5 triệu USD, gấp hơn 3,5 lần trị giá hàng XK. Còn theo báo cáo từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam NK hơn 1,5 triệu tấn giấy và các sản phẩm từ giấy, trong khi XK chỉ vỏn vẹn 133 nghìn tấn. Có thể thấy, kim ngạch XK và NK của ngành này có sự chênh lệch rõ rệt và ngành giấy Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK.
Trước các FTA, DN ngành giấy không thể trông chờ mãi vào sự bảo hộ của Nhà nước mà cần tự nỗ lực để vươn lên.
Trước các FTA, DN ngành giấy không thể trông chờ mãi vào sự bảo hộ của Nhà nước mà cần tự nỗ lực để vươn lên.
Nguyên nhân của vấn đề trên, theo ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và XNK tổng hợp Tiến Thành (DN chuyên sản xuất và XNK các sản phẩm giấy, bột giấy, bao bì…), các DN giấy của Việt Nam thường rất nhỏ lẻ, máy móc thiết bị thiếu và yếu, đa phần là máy cũ nên chất lượng giấy không thể đạt như các nước khác, kể cả một số nước trong khối ASEAN.

Nói về tình trạng của DN mình, ông Nguyễn Văn Hải, Phụ trách kinh doanh, Công ty Cổ phần Giấy Hải Tiến cho biết, trước đây DN có làm hàng XK sang Malaysia, Singapore nhưng chất lượng không đạt theo tiêu chuẩn của nước NK nên đã dừng lại để tập trung bán hàng nội địa. Thị trường nội địa hiện vẫn ổn định nhưng sắp tới nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết sẽ tác động nhiều đến DN.

Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang (DN sản xuất giấy thương hiệu Xương Giang) cho hay, trong các FTA, đáng chú ý nhất đối với ngành giấy là việc ký kết thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay và đến năm 2018, thuế suất NK các mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy từ các nước trong khối về 0%. Đây là điều rất đáng ngại và sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với ngành giấy trong nước do có đến 50% lượng giấy của Việt Nam được NK từ ASEAN.

Cũng theo ông Hà Ngọc Hoa, lộ trình cắt giảm thuế vừa là cơ hội để DN NK nguyên liệu giá rẻ nhưng lại đặt ra thách thức lớn cho các DN sản xuất trong thị trường nội địa. Nguyên nhân vì chất lượng mặt hàng giấy từ các nước như Indonesia, Thái Lan đều tốt hơn Việt Nam mà giá thành tương đương. Mặt hàng giấy của DN Việt Nam tuy thuận lợi hơn khi tiết kiệm được chi phí vận chuyển nhưng thường sản xuất nhỏ lẻ, trong khi hàng của các nước khác được sản xuất hàng loạt, với số lượng lớn nên chi phí sẽ bù lại phí vận chuyển để đưa ra giá thành rất cạnh tranh với DN trong nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các DN giấy Việt Nam vẫn chưa nắm được rõ những cơ hội, thách thức hay những quy định đến từ FTA. Nhiều DN khi được hỏi tỏ ra khá bất ngờ về những điều chỉnh thuế suất liên quan đến ngành giấy trong FTA và thường lấy lý do là DN nhỏ, chỉ tiêu thụ nội địa nên không mấy quan tâm.

Nỗ lực cải thiện

Trước tình hình trên, các DN giấy Việt Nam bắt buộc phải có kế hoạch để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, nếu không, khi hàng hóa các nước trong khối ASEAN tràn vào, sản phẩm giấy của nước ta chắc chắn sẽ lâm vào thế yếu. Ông Hoàng Minh Thắng nhận định, với tình hình như vậy, chỉ các DN lớn hoặc DN có đầu tư lớn từ nước ngoài mới có thể tồn tại. Bên cạnh đó, sự bảo trợ của Nhà nước với các DN ngành giấy trong nước sẽ không còn nên các DN nếu cứ trì trệ, yếu kém như hiện giờ thì chắc chắn khó có thể tồn tại. Do vậy, muốn vượt được các DN nước ngoài, DN trong nước phải có sự bứt phá bằng mọi giá.

Nói về chiến lược của DN, ông Thắng cho biết, sản phẩm giấy có nhiều loại nên DN đang lên kế hoạch lựa chọn sản phẩm có lợi nhất về mặt giá thành, sản xuất. Vì thuế NK sẽ còn 0% thì DN đang xây dựng chiến lược NK nguyên liệu và sản phẩm với giá rẻ nhưng chất lượng tốt hơn để sản xuất và phân phối trong nước cũng như XK. Bên cạnh đó DN phải tiến hành đổi mới máy móc thiết bị để tăng năng suất về chất lượng cũng như số lượng.

Đối với sản phẩm giấy Xương Giang, theo ông Hà Ngọc Hoa, mặc dù chất lượng hiện tại vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng trong thời gian tới, Công ty cũng phải xem xét để đầu tư để chất lượng cao hơn nữa, đặc biệt là thiết bị sản xuất giấy tissue với công suất lớn hơn. Hơn nữa, Công ty cũng sẽ đầu tư làm mới hệ thống máy móc, chuyển từ dùng máy Trung Quốc sang máy Nhật Bản, Hàn Quốc để đảm bảo lượng hàng cho XK trong thời gian tới đạt chất lượng quốc tế.

Nhìn chung, hướng đi sắp tới của các DN là cải thiện hệ thống sản xuất, máy móc để nâng cao về số lượng và chất lượng cho sản phẩm giấy. Tuy nhiên, để làm được những công việc này, các DN đều cần đến sự hỗ trợ về vốn và những cải thiện của Nhà nước về việc cung cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị./.