Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp “khát” nhân lực công nghệ cao

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là yếu tố quan then chốt để doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao hiện vẫn là một bài toán khó với nhiều doanh nghiệp.

Nhân lực công nghệ thiếu và yếu 

Những lĩnh vực như công nghệ thông tin – truyền thông, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và đặc biệt công nghiệp bán dẫn và vi mạch đang là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh của Việt Nam và có tiềm năng rất lớn trong thời gian tới.

Dù vậy, ghi nhận ở hầu hết cuộc khảo sát quy mô lớn cho thấy, doanh nghiệp khi muốn đưa vào những công nghệ hiện đại thường gặp nhiều rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất không nằm ở nguồn vốn hay tài chính, mà lại chính ở con người.

Là một fintech tại Việt Nam, hiện tại, MoMo có gần 600 kỹ sư công nghệ trong đó nhân sự cho trí tuệ nhân tạo (AI) chiếm khoảng 20%. Đội ngũ này đang làm việc trực tiếp cùng các đơn vị kinh doanh để đưa ra những lời giải cụ thể về các vấn đề nóng và hóc búa như tăng trưởng kinh doanh cho công ty, hỗ trợ các đối tác và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong chiến lược phát triển trung và dài hạn, công nghệ được xác định sẽ là “động cơ lõi” cho tăng trưởng của MoMo và AI chính là thành phần cốt yếu.

Nhưng theo Phó Tổng Giám đốc MoMo Thái Trí Hùng, doanh nghiệp vẫn đang rất “khát” nguồn nhân lực công nghệ cao, dù liên tục đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo hay công nghệ dữ liệu. “Chúng tôi mong muốn tìm kiếm những đồng đội để cùng nhau làm sâu và sát nhất, gắn với kinh doanh” -  ông Thái Trí Hùng mong muốn.

Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động.
Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động.

Chia sẻ thêm về bất cập này, TS Trần Việt Hùng, nhà sáng lập Got It-startup công nghệ đã huy động 25 triệu USD vốn đầu tư có trụ sở tại thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) nhìn nhận, với việc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất chọn công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột mới của quan hệ hai nước. Đặc biệt là hoạt động thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, số lượng hạn chế các kỹ sư có kinh nghiệm sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp chip tại Việt Nam. Điểm mấu chốt ở đây chính là làm sao xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao mà Việt Nam đang thiếu.

Ông Hùng dẫn chứng, theo thống kê, trong một năm Việt Nam đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư công nghệ từ các trường đại học, cao đẳng, nhưng chỉ có khoảng 6.000 kỹ sư có thể làm được công nghệ chất lượng tương đương với ở Mỹ. 

Báo cáo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số” phát hành bởi FPT Digital đã chỉ ra, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm. Tuy vậy, chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự công nghệ thông tin này đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc.

Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động. Tỷ lệ này được cho là khá thấp so với các quốc gia định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.

Trách nhiệm của liên ngành

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là xu thế chung, được đánh giá là một trong những nguồn lực có tính chiến lược quan trọng nhất để đất nước nắm bắt những cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để bứt phá đi lên. Để bắt kịp được xu hướng này, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết. Cụ thể, cần đẩy mạnh tính liên thông, liên bậc học, giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và sinh viên; xây dựng cơ chế chính sách thu hút sinh viên vào lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý và chuyên môn tốt.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, tại Việt Nam rất cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Đây vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiện nay, nhiệm vụ này không chỉ đặt trên vai của các trường phổ thông hay đại học mà còn cần được san sẻ bởi các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không còn đơn thuần là bên sử dụng lao động đã qua đào tạo từ các cơ sở giáo dục, thay vào đó sẽ phải chủ động kiến tạo các hoạt động ươm mầm cho các thế hệ nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Còn theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho nhà khoa học. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần dành sự ưu tiên đầu tư thích đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan nhằm tạo dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù hoạt động nghiên cứu, theo thông lệ quốc tế.