Dịch bệnh và thiên tai dồn dập khiến nhiều DN gặp khó, dù ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp, nhưng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250.000 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180.000 tỷ đồng và chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Hỗ trợ DNNVV chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi” diễn ra mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: Đến tháng 10/2020, chưa DN nào vay được tiền từ gói 16.000 tỷ đồng để trả lương công nhân. Phải đến ngày 27/11, mới có 75 DN trên cả nước tiếp cận được gói vay này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đi thẳng vấn đề DN ngành đang gặp khó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Tú Bình chỉ ra, dù đã gần hết năm 2020, nhưng thực trạng khó tiếp cận vốn vẫn đang diễn ra gây khó khăn không nhỏ tới các DN du lịch. Bởi, 90% lao động trong ngành du lịch đã tạm nghỉ, 60% DN ngưng hoạt động. “Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ được đưa ra để giải cứu người lao động và DN, nhưng việc thực hiện chính sách còn thiếu hiệu quả” - ông Vũ Tú Bình nói.
Nói thẳng để thôi kỳ vọngDẫn chứng việc TP Hồ Chí Minh có khoảng 10.000 hướng dẫn viên du lịch, ông Vũ Tú Bình thông tin, chỉ có 20 người được nhận gói hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong vòng 3 tháng. Song, trong số đó nhiều người cũng chỉ nhận được một tháng, vì khi nhận hồ sơ, người phụ trách “ngâm” mãi không triển khai. Trong số các tỉnh trên cả nước, chỉ có Đà Nẵng ghi nhận thực hiện tốt hơn, còn lại các tỉnh khác, người lao động trong ngành du lịch không được nhận hỗ trợ. Điều đáng nói là ngành du lịch có 40.000 DN, nhưng chỉ có một DN vay được vốn trong gói 16.000 tỷ để trả lương cho người lao động. Cái khó nhất các ngân hàng đang đòi hỏi DN là tài sản thế chấp. Cũng theo vị này, nguyên nhân các DN lữ hành chỉ có uy tín và thương hiệu, chứ không có tài sản. Do đó, các DN này không thể tiếp cận được các gói vay hỗ trợ. “Ngành du lịch chưa bao giờ hết kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước cho các DN du lịch. Nhưng tính khả thi cần phải xem lại, khi ban hành nhưng không thi hành được” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.
Lấy một ví dụ đơn giản, ông Bình phân tích, trong Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó có quy định điều chỉnh giá điện trong các cơ sở lưu trú về ngang bằng giá điện sản xuất. Nhưng đến nay, ngành điện chưa làm được điều đó. Trong đợt dịch vừa qua, ngành điện chỉ giúp cho ngành du lịch 3 tháng (tháng 4 - 5 - 6). Trong khi sự điều chỉnh này giúp giảm tới 33% chi phí điện và có thể cứu các DN du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Nếu khó khăn ngành điện có thể nói thẳng để DN thôi kỳ vọng” - ông Bình cho hay.
Đồng tình với quan điểm khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đại diện Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cho biết, việc vay vốn trong gói 16.000 tỷ đồng dường như chỉ dành cho DN chuẩn bị phá sản. Theo ông Cẩm, điều kiện để vay được tiền bao gồm: DN phải không có doanh thu, không có khả năng tài chính hay giảm 50% số lao động có đóng bảo hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, dù gặp vô vàn khó khăn thì các DN dệt may cũng đang cố gồng gánh để giữ chân lao động, chứ không muốn cho lao động nghỉ việc.
Do đó, theo ông Cẩm, những quy định như trên không phải để cứu DN. Hơn nữa, theo đại diện Hiệp hội Dệt may, việc sửa đổi quá chậm, kéo dài tới 6 tháng khiến cho cơ hội cứu các DN trôi qua. Đó là chưa kể, sửa đổi cũng không quá hiệu quả...