Doanh nghiệp mong trợ lực để nâng cao cạnh tranh
Kinhtedothi - Nhằm góp phần gợi mở các giải pháp, kiến nghị để nhận diện những trợ lực quan trọng cho DN vượt qua những khó khăn thách thức. Đồng thời, nêu ra những cơ hội, các bài học kinh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới đã được các chuyên gia, nhà quản lý, DN đưa ra...

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Nhiều thách thức
Theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy, chỉ 32% DN sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Mặc dù đã có gần 1 triệu DN đang hoạt động, tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm 98%) và chỉ có khoảng 2% các DN lớn.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng. Ảnh: Khắc Kiên
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, cộng đồng DN nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DN còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Do đó, để bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ DN sẽ là những chìa khóa then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ DN phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển DN, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước.

DN vừa nỗ lực sản xuất, nhưng cũng mong có sự trợ lực để phát triển. Ảnh: Khắc Kiên
Song, trong một thế giới biến động, các DN cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ chính quyền. Các diễn giả, chuyên gia chỉ ra, sự phát triển của nền kinh tế và khu vực DN được hỗ trợ rất lớn từ các động lực tăng trưởng mới, mở ra không gian phát triển bền vững.
Gợi mở để vượt qua
Để tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho các DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (DNNVV) Mạc Quốc Anh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới, khu vực DNNVV đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh. Ảnh: Khắc Kiên
DNNVV là nòng cốt của nền kinh tế, có đóng góp to lớn vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, ổn định xã hội. Tuy nhiên, DNNVV đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vốn, quản trị, công nghệ, thị trường... Để giải quyết các khó khăn, không thể chỉ trông cậy vào nỗ lực đơn lẻ của DN, mà rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề, các trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng xã hội.
Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước cần xây dựng chính sách đồng bộ và dài hạn, liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tài chính; cộng đồng DN cần chủ động thay đổi, nâng cao quản trị, tích cực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; còn các tổ chức xã hội, trường viện nên mở rộng hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân (bên trái) tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, vấn đề lớn nhất là cộng đồng DN Việt Nam nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng cần tự nỗ lực, nâng cao năng lực, đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, hướng tới quản trị tinh gọn... Song cũng rất cần sự trợ lực từ cơ chế, chính sách đồng hành để các DN có được môi trường kinh doanh thông thoáng. Có được những thông tin kịp thời, minh bạch để tận dụng với những cơ hội xuất khẩu và không bỏ qua được thị phần trong nước đầy tiềm năng.
Đối với vấn đề này, mới đây Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thông báo điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác, cùng chất bán dẫn có nguồn gốc từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế đối ứng riêng và mức thuế này có thể được áp dụng trong khoảng một tháng nữa. Số liệu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang Mỹ của hàng điện tử đạt 41,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 35% tổng giá trị hàng hóa xuất đi Mỹ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
“Xuất khẩu lớn nhưng 85% là phụ thuộc vào DN FDI đã và đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, việc này không ảnh hưởng tới DN quốc nội. Tuy nhiên, cộng đồng DN cũng cần phải nhìn nhận lại những sản phẩm của chúng ta có đem lại giá trị gia tăng. Có những cơ chế thông thoáng hỗ trợ theo quy định của Nhà nước và DN trong nước muốn tham gia vào chuỗi cũng cần xem lại mình ở đâu, phân khúc nào để đầu tư và tăng sức cạnh tranh" - ông Nguyễn Vân thẳng thắn.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: Khắc Kiên
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Ngoài thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí; chi phí tuân thủ lớn nhưng đôi khi không được nhận diện; chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức cho DN. Vì vậy, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ” - ông Phan Đức Hiếu khẳng định.
Cơ hội và dư địa cải cách thể chế vì thế là rất lớn. Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ. Giai đoạn sau đó, thực thi Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều thay đổi tư duy khi DN được phép làm những gì mà pháp luật không cấm...
Trích dẫn
Trong thời gian tới cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh. Theo đó, quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) Trần Thị Hồng Minh

Dệt may Việt Nam nâng cao năng lực và hoàn toàn không cạnh tranh với Mỹ
Kinhtedothi - Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã thông tin về thực trạng, cũng như các giải pháp ứng phó mức thuế đối ứng 46% của Mỹ dự kiến áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Thách thức thuế quan Mỹ: doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp thích ứng
Kinhtedothi- Việc Mỹ áp dụng thuế quan mới đang tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu trên nhiều lĩnh vực. Ngành dệt may- vốn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu và sử dụng lượng lao động đông đảo- đang chịu ảnh hưởng đáng kể. Trước bối cảnh đó, các cơ quan chức năng và bản thân doanh nghiệp đang có nhiều giải pháp để thích ứng linh hoạt và hạn chế tối đa các khó khăn, thách thức.

Dệt may có thể ứng phó với thuế quan như giai đoạn Covid-19 để tận dụng cơ hội
Kinhtedothi - Với những nỗ lực của bản thân, ngành dệt may đã gặt hái được những kết quả khả quan trong quý I/2025 trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. 90 ngày gia hạn thuế quan đối ứng của Mỹ là giai đoạn để các nước có những giải pháp thích ứng thích hợp.