Doanh nghiệp Mỹ "kết" lao động ngoại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lợi nhuân cũng như giá cổ phiếu của các tập đoàn của Mỹ gia tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ở mức cao. Nguyên nhân là thay vì thuê nhân công trong nước, họ lại mượn người nước ngoài.

KTĐT - Lợi nhuân cũng như giá cổ phiếu của các tập đoàn của Mỹ gia tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ở mức cao. Nguyên nhân là thay vì thuê nhân công trong nước, họ lại mượn người nước ngoài.

Trong số 15.000 nhân viên mà Caterpillar Inc tuyển dụng trong năm 2010, có tới hơn một nửa là ở bên ngoài nước Mỹ. Lượng nhân công ngoại quốc của UPS cũng tăng nhanh. Đối với cả hai công ty này, doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế đã tăng ít nhất gấp hai lần trong nước. Xu hướng trên lý giải tại sao tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức cao – 9,8% trong tháng 11/2010.

Trong 500 tập đoàn hàng đầu nước Mỹ, hầu hết đều có lợi nhuận trong năm 2010. Còn thị trường chứng khoán thì đóng cửa ở mức điểm cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thế nhưng, dường như công ăn việc làm vẫn đang vẩn vơ đâu đó.

Theo Viện Chính sách Kinh tế của Mỹ, các doanh nghiệp nước này đã tạo ra khoảng 1,4 triệu việc làm ở nước ngoài trong năm 2010, trong khi ở Mỹ chỉ hơn 1 triệu. Robert Scott, chuyên gia kinh tế cao cấp của viện, cho rằng con số 1,4 triệu việc làm đó có thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của họ xuống còn 8,9%.

“Có sự khác biệt vô cùng lớn giữa điều có lợi cho các doanh nghiệp Mỹ với điều có lợi cho nền kinh tế Mỹ”, Scott nhận xét.

Những năm gần đây, tính chất công việc đã trở nên phức tạp hơn, chẳng hạn như liên quan đến chất bán dẫn hay phần mềm, chứ không chỉ đơn giản là đồ chơi hay quần áo. Song, công ăn việc làm ở Mỹ vẫn đang dần chuyển ra nước ngoài trong hơn hai thập kỷ qua,

Hiện tại, nhiều sản phẩm được chế tạo tại nước ngoài cũng không quay trở về Mỹ. Năm 2010, nhu cầu tiêu thụ đã tăng vọt tại những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, trong khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ lại giảm. Theo MasterCard's SpendingPulse, tuy đã có một mùa mua sắm tấp nập cuối năm nhưng sức chi tiêu của người Mỹ cho đồ nội thất vẫn ít hơn 18% và hàng điện tử ít hơn 10% so với trước thời kỳ suy thoái.

“Các doanh nghiệp sẽ đi đến những nơi có thị trường phát triển nhanh và lợi nhuận béo bở. Chỉ có điều khác là ngày nay, họ đang làm ăn phát đạt ở những thị trường mới nổi, và nước Mỹ thực sự phải dè chừng”, Jeffrey Sachs, chuyên gia toàn cầu hóa và kinh tế của Đại học Columbia, nói.

Với một tương lai có vẻ tươi sáng hơn tại thị trường ngoại quốc, các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh tay vào đây. Nhà sản xuất xe ủi và xe kéo Caterpillar đã đầu tư ba nhà máy mới ở Trung Quốc chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2010. Quyết định này được đưa ra do dựa vào nhu cầu thị trường. Doanh số bán hàng tại châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 38% trong 9 tháng đầu năm 2010, nhưng tại Mỹ chỉ tăng 16%. Cổ phiếu của hãng cũng tăng 64% trong năm vừa qua.

“Một sự hoán đổi về sức mạnh kinh tế đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Trung Quốc vừa mới trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”, David Wyss, nhà kinh tế học của Standard & Poor's, nhận định. Ông còn cho biết một nửa doanh thu của các doanh nghiệp trong danh sách của họ trong vòng hai năm qua là đến từ bên ngoài nước Mỹ.

Chẳng hạn như hãng sản xuất tất DuPont, một trong những doanh nghiệp đổi mới nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, chỉ còn bày bán hơn một phần ba lượng sản phẩm của mình tại đây. Trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh số bán hàng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng đã tăng đến 50%, gấp 3 lần tại Mỹ. Giá cổ phiếu cũng tăng 48%.

Lực lượng lao động của DuPont phản ánh sự thay đổi trong quá trình phát triển: Trong thời gian từ tháng 1/2005 đến tháng 10/2009, số nhân viên của họ tại Mỹ đã giảm 9%, trong khi ở các nước châu Á – Thái Bình Dương, con số này tăng lên 54%.

“Chúng tôi giống như một cầu thủ quốc tế muốn đi tới đâu là thành công tới đó. Chúng tôi muốn đưa nhà máy của mình đến gần với khách hàng, đáp ứng nhu cầu của họ”, Thomas M. Connelly, Giám đốc sáng tạo của DuPont, cho biết.

Yếu tố chủ chốt khiến xu thế này phát triển mạnh mẽ là do sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở những quốc gia mới nổi. Đến năm 2015, lần đầu tiên, lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á sẽ tương đương với lực lượng này ở cả châu Âu và Bắc Mỹ gộp lại.

“Mọi sự phát triển trong vòng 10 năm tới đều sẽ diễn ra tại châu Á”, Homi Kharas, thành viên cao cấp của Viện Brookings và là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới về Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định.

Muhtar Kent, Giám đốc điều hành Coca-Cola, cho rằng khoảng một tỷ người tiêu dùng sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong thập kỷ tới đây, phần lớn là tại châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khoảng 93.000 nhân viên của Coke trên thế giới, gần 13% là ở Mỹ trong năm 2009, giảm 19% so với 5 năm trước.

Những khoản đầu tư mới nhất của họ đều nằm ở nước ngoài, gồm 240 triệu USD cho ba nhà máy đóng chai tại khu vực Nội Mông. Đó là một phần trong kế hoạch đầu tư kéo dài 3 năm trị giá 2 tỷ USD ở Trung Quốc. Ba nhà máy này sẽ tạo ra 2.000 việc làm mới trong vùng. Tháng 9/2010, Coca-Cola cam kết sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Philippine trong vòng 5 năm.

Xu hướng trên không giới hạn ở những công ty lớn nhất nước Mỹ. Giờ đây, dù trong lĩnh vực công nghệ, bán lẻ hay sản xuất thì các doanh nghiệp đều thuê nhân công ngoại quốc ngay từ đầu. Vast.com, hãng cung cấp phương tiện tìm kiếm của các trang như Yahoo Travel hay Aol Autos, được thành lập năm 2005 với nhân viên tại cả San Francisco (Mỹ) và Serbia.

Nitin Nohria, Chủ nhiệm khoa Kinh doanh trường Harvard, tỏ ý lo ngại rằng xu hướng này có thể gây guy hiểm. Trong một bài viết đăng trên số ra tháng 11 của Harvard Business Review, ông cho biết nếu các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục ăn nên làm ra trong khi người Mỹ phải vật lộn để mưu sinh thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ mất chỗ đứng trong xã hội. Ông ủng hộ các chủ doanh nghiệp tìm cách để khiến phát triển đi đôi với tạo ra công ăn việc làm tại nước nhà.

Theo nhà kinh tế học Sachs, các tập đoàn đa quốc gia không có sự lựa chọn nào khác, nhất là khi hiện tại, chất lượng lao động toàn cầu đã cải thiện. Ông nhận định nước Mỹ đang không cung cấp đủ số lao động có trình độ cao trong khi các nước khác lại làm được: “Chúng ta đang không đáp ứng được nhu cầu về giáo dục cho thanh niên. Trong một thế giới toàn cầu hóa, điều đó sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng.”

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần