Doanh nghiệp nhỏ chưa sẵn sàng đón "sóng" công nghệ số

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều tra DN của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, công nghệ số có vai trò và tác động to lớn đối với hoạt động của DN. Riêng năm 2015, có tới 95% DN Việt Nam đã sử dụng internet, tuy nhiên con số DN gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng CNTT lên tới gần 60%.

Chưa làm chưa thể nói mình không thể làm được

Chia sẻ tại Hội thảo "Đón làn sóng công nghệ số: DN nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?" do VCCI phối hợp APAC tổ chức tổ chức sáng 2/6 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, với những DN ứng dụng CNTT tốt thì sẽ dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn. Song ở chiều ngược lại, các cơ quan nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, nếu áp dụng CNTT tốt cung cấp thông tin tới DN nhanh chóng và thuận lợi hơn, thời gian thực hiện TTHC cho DN được rút ngắn, đồng thời cơ hội nảy sinh nhũng nhiễu sẽ giảm nhiều.
Toàn cảnh Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?”.
Toàn cảnh Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?”.
Ông Kevin O’Kane, Giám đốc điều hành khối DN vừa và nhỏ, Công ty Google Châu Á Thái Bình Dương (APAC) chia sẻ, mỗi DN Việt Nam, dù hoạt động ở bất kể ngành nghề nào đều có thể trở thành một DN thương mại điện tử. Chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di động. Không giống như ở nước Mỹ, Việt Nam là nước có kết nối di động cao, có đến 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, trong khi chỉ có 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Do đó, ông Kevin O’Kane cho rằng, mỗi DN Việt Nam đều có thể trở thành DN thương mại điện tử là bởi Việt Nam có sẵn một lượng khách hàng kết nối trực tuyến trên nền tảng di động. 

Tuy nhiên, nhận định về lượng cung, theo ông Kevin O’Kane, phần lớn DN Việt lại chưa cung cấp được những trải ngiệm thương mại điện tử tốt, thậm chí còn chưa triển khai thương mại điện tử. Điều này là do các DN thiếu nhận thức về lợi ích của việc kết nối trực tuyến, nhiều DN còn cho rằng, việc số hóa tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân do xã hội có thói quen dùng tiền mặt và có sự lo lắng về vấn đề bảo mật cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. 

Mặc dù vậy, trong số đông DN nhỏ và vừa, đã có những điển hình sử dụng thương mại điện tử tốt. Ông Kevin O’Kane đã nêu ví dụ về việc sử dụng thương mại điện tử thành công ở Làng Vũ Đại, quảng cáo trực tuyến đã giúp mang sản phẩm cá kho độc đáo, truyền thống của Làng vươn ra ngoài thị trường Việt Nam, mang đến sự thịnh vượng cho ngôi làng. “Đây không phải là trường hợp duy nhất, mà ngày càng có nhiều DN nhỏ thấy được thương mại điện tử đã giúp họ thành công như thế nào” – ông Kevin O’Kane nói. 

 Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cũng tại hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN nhỏ và vừa, Bộ KH&ĐT cho biết, trong dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà Bộ KH&ĐT đang soạn thảo, nhiều giải pháp hỗ trợ DN phát triển thương mại điện tử đã được đưa vào như đào tạo online, hỗ trợ khởi nghiệp, hội nhập...

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam. Theo đó, sẽ ưu đãi thuế đối với DN sản xuất nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm..., dự kiến giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, công của người hoạt động, nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin... 

“Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Những công việc này theo Nghị quyết sẽ được hoàn thành vào tháng 8 tới. Như vậy, DN sẽ được hỗ trợ để phát triển khoa học công nghệ và thương mại điện tử nhiều hơn” – ông Phan Đức Hiếu cho biết. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần