Ngân hàng muốn cho vay, nhưng... Hàng loạt NH lớn liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho DNNVV. Viet Capital Bank triển khai chương trình Cho vay tín chấp dành cho DNNVV, với hạn mức 1.000 tỷ đồng; HDBank có gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,8%/năm, với các khoản vay có kỳ hạn dưới 3 tháng. OCB cho vay ngắn hạn với lãi suất VND từ 6,71%/năm, lãi suất USD từ 2,68%/năm và ưu đãi 20 - 50% phí dịch vụ cho các DN nhập khẩu… Quy mô vốn dành cho DNNVV của Vietcombank cũng đã tăng từ 150 - 200%. Hay tại Agribank, mục tiêu cho khối DN này vay chiếm 30 - 40% tỷ trọng dư nợ, với lượng vốn tăng lên trên 100.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều DN vẫn loay hoay tiếp cận với nguồn vốn. Chị Kim Thanh - chủ một DN sản xuất nhựa ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, từ năm ngoái đến giờ đã đi đến 2 NH hỏi thủ tục vay nhưng đều bị từ chối, dù chỉ là khoản vay ngắn hạn để mua nguyên liệu: “Khi tôi đến NH A. hỏi thủ tục vay, dù đã trình tài sản thế chấp là căn hộ chung cư nhưng NH từ chối với lý do nhà chưa có chủ quyền hợp pháp. Tôi cũng trình kế hoạch phát triển sản xuất, thuyết minh rõ số tiền (nếu) vay được sẽ mua nguyên liệu để sản xuất, có sẵn hàng để khách không phải chờ đợi, nhưng NH cũng không đồng ý”. Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật công nghệ Việt Phát cho biết, nếu không có tài sản thế chấp hoặc quan hệ thân thiết thì rất khó tiếp cận vốn từ các NH thương mại (NHTM). May mắn hơn, ông Trần Thiện - giám đốc một công ty chuyên may thêu ở La Phù, Hà Nội, qua lời giới thiệu của Hiệp hội DN được NH cho vay, nhưng lãi suất lại không hề rẻ. “Chưa kể NH còn yêu cầu đóng phí, bảo hiểm và một số chi phí khác nữa. Tính ra, nếu cộng cả lãi vay và chi phí đã đóng cho NH, tổng lãi suất mà công ty phải trả lên tới trên 11 - 12%” - ông Thiện than. Doanh nghiệp khó đủ đường
Tính đến hết quý I, dư nợ tín dụng cho DNNVV của toàn hệ thống tín dụng là 1.070.810 tỷ đồng, tăng 1,76% so với 31/12/2015, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực công nghệ cao là 30.419 tỷ đồng, tăng 7,81%; xuất khẩu là 188.819 tỷ đồng… Ông Phan Hải Tùng - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, hiện mới chỉ có 30% DN vay được vốn tín dụng NH để đầu tư, mở rộng sản xuất. Thực tế, qua thẩm định và giải ngân cho 94.000 khách hàng là DNNVV, đại diện NHTM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, bên cạnh yếu tố cơ bản là DNNVV không có tài sản thế chấp, điều khiến các NH quan ngại khi thẩm định để cho vay là trình độ quản lý vốn của những DN này rất hạn chế. Khả năng lập dự án, cân đối tài chính thường thiếu khả thi, chưa nói đến quá trình sau đó là quản trị nhân lực, sản xuất. Theo đó, chỉ những DN đã có quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, đã vượt qua điểm hòa vốn, NH mới cho vay. Lãnh đạo một NHTM CP tại Hà Nội cho biết, một trong những điểm yếu của DNNVV là không chứng minh được đầu ra bền vững, kế hoạch không rõ ràng, chỉ mang tính thời vụ... nên rất khó để NH xét duyệt cho vay: “NH huy động vốn của người dân, kinh doanh phải có lãi, cho những DN không đủ điều kiện vay nếu mất vốn thì ai chịu? Do vậy, rất nhiều trường hợp, NH đành phải từ chối”. Khó vay vốn NH là chuyện dài nhiều tập từ nhiều năm nay vẫn chưa được tháo gỡ dù đã có quy định về cho vay tín chấp, trong khi quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể, theo quy chế này, “bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình để thực hiện các giao dịch bảo đảm”. Tuy nhiên, theo nhiều DN, “có tài sản thế chấp rồi cần gì phải bảo lãnh” để mất thêm phí. Do đó, từ sau khi quy định này đi vào thực hiện, hoạt động của các quỹ ngưng trệ và DN gần như lại không thể tiếp cận được vốn từ sự bảo lãnh của các quỹ.
Giao dịch tại một chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Thực hiện đề án “Quốc gia khởi nghiệp” trong đó hướng tới thành lập thêm khoảng 500.000 DN từ nay đến năm 2020 số vốn cần thiết khoảng 235.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các DNNVV sẽ cần phải được tiếp cận một nguồn vốn lên đến khoảng 397.000 tỷ đồng từ các NHTM. |
Cần “cởi trói” cho các quỹ bảo lãnh Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cần có biện pháp thiết thực hơn để hầu hết các DNNVV có thể tiếp cận được nguồn tài chính. Thưa ông, đến nay dù NH đã dành nguồn tín dụng cho DNNVV nhưng số tiếp cận được nguồn vốn chưa nhiều, vì sao vậy? - Nhiều DNNVV không có tài sản đảm bảo, sổ sách kế toán chưa minh bạch, phương án kinh doanh không rõ ràng... Do vậy, NH rất thận trọng khi xem xét cho đối tượng DN này vay vì sợ rót vốn rồi sau này DN phá sản, giải thể thì thành nợ xấu. NH yêu cầu phải có dòng tiền để trả nợ, làm ăn có lãi... Trong khi đó về phía DN, nếu không được rót vốn để thực hiện các phương án kinh doanh mới thì lấy gì “gỡ” lại nợ cũ. Cứ như vậy, DNNVV rơi vào vòng luẩn quẩn, NH cũng khó làm khác được. Đây là những nguyên nhân có tính cố hữu, khó khắc phục trong thời gian ngắn. Với kênh quỹ bảo lãnh tín dụng thì sao? - Ngoài NH, trước đây còn có một “cửa” mà DNNVV có thể tìm đến là quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng gần như lại không thể tiếp cận được vốn từ sự bảo lãnh của các quỹ. Hiện, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập ở các địa phương nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Theo Điều 23 trong Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về Biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn, thì “bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh”. Tiêu chuẩn này gần giống như tiêu chuẩn cho vay của các NH hay các quỹ tín dụng khác, đó là DN muốn được bảo lãnh phải có tài sản thế chấp nên họ không còn mặn mà. Thêm vào đó, vấn đề lãi suất các khoản vay có bảo lãnh tín dụng cao hơn so với những khoản vay thế chấp thông thường, lại phải chịu phí bảo lãnh khiến chi phí của DN đắt đỏ. Bởi, hiện các NH vẫn chưa coi những khoản tín dụng có bảo lãnh như khoản vay có tài sản thế chấp. Nên dù được quỹ ra chứng thư bảo lãnh, NH vẫn tính lãi suất cao hơn do DN phải chịu phí. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn là DN khó khăn, tìm đến quỹ bảo lãnh và nếu vay được cũng chịu chi phí cao khiến rủi ro hoạt động cao. Vậy, theo ông, có hướng giải quyết nào để DNNVV tiếp cận được vốn vay? - Cần có cơ chế chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín cho các quỹ bảo lãnh. Đó là phải "cởi trói" cho các quỹ này khỏi những quy định khắt khe, cải thiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Ví như Quỹ phát triển DNNVV của Bộ KH&ĐT vừa ra mắt với số vốn 2.000 tỷ đồng trên thực tế là quá nhỏ, chưa kể nếu các cơ chế giải ngân vẫn không phù hợp, quỹ mới cũng khó giải ngân như các quỹ đã ra đời trước đây, DNNVV chẳng được hưởng lợi gì. Để hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tôi cho rằng, ngoài sự nỗ lực, tự hoàn thiện mình của NH cũng như các DN, thì vai trò của Chính phủ trong việc hoạch định và hoàn thiện cơ chế, chính sách là rất quan trọng, nếu không nói là yếu tố quyết định. Trong khi chờ NH có sự thay đổi trong cách đánh giá và thẩm định DN, Nhà nước nên thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với chuẩn cho vay riêng để DN có cơ hội tham gia hoặc NH quốc doanh mua bảo hiểm các khoản cho vay đối với DNNVV. Ở các nước, quỹ tín dụng vi mô cho cá nhân không cần thế chấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu mô hình này nếu muốn thật sự tháo gỡ khó khăn cho DN. Xin cảm ơn ông! Nguyên Anh thực hiện |