Làn sóng "rút lui" của các doanh nghiệp ngoại
Ngày 1/7, với lý do thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới trên toàn quốc, siêu thị Lotte Mart Đống Đa (thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc) sau 8 năm hoạt động (2014) đã thông báo ngừng kinh doanh. Cũng đầy bất ngờ, cuối tháng 5/2021, siêu thị Emart (Hàn Quốc) sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam đã phải dừng hoạt động.
Trước đó, giữa năm 2018, hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) cũng đã rút khỏi thị trường Việt Nam. Tương tự, năm 2016, sau 8 năm đi vào hoạt động, Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà (tập đoàn bán lẻ Malaysia) chính thức đóng cửa địa điểm. Mặc dù đầu tư khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2005, nhưng chuỗi bán lẻ Shop&Go cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 USD cho Vingroup. Lý do được đại diện Shop&Go đưa ra là do “thị trường bán lẻ Việt Nam dù còn nhiều tiềm năng khai thác nhưng cuộc cạnh tranh quá khốc liệt”.
|
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông |
Phân tích nguyên nhân khiến DN bán lẻ nước ngoài “rút chạy” khỏi thị trường Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu nêu rõ, mô hình kinh doanh của DN quốc tế khá đơn điệu, không phù hợp với thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Parkson mặc dù đã gần 10 năm khai thác thị trường Việt Nam nhưng chỉ hướng tới khách hàng cao cấp, không phục vụ người tiêu dùng bình dân nên việc đóng cửa là điều khó tránh khỏi.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch AVR Nguyễn Thành Phương phân tích, mặc dù hệ thống siêu thị Auchan có đến 18 điểm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh nhưng các siêu thị này thường nằm ở trong tòa nhà, khu chung cư nên không định vị được sự khác biệt thương hiệu để người tiêu dùng biết đến.
Doanh nghiệp Việt rót vốn
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059 ngàn tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2.086 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, đây là “mỏ vàng” cho DN bán lẻ khai thác.
|
Hàng Việt tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch |
Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell cho biết, tuy thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các DN nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là DN Việt như Vingroup, Masan, Saigon Co.op…
Thực tế cho thấy, liên tục trong khoảng 3 năm gần đây, DN bán lẻ Việt đã vươn lên mở rộng thị phần. Cụ thể, năm 2018, Saigon Co.op đã mua lại toàn bộ mạng lưới bán lẻ của Auchan trước khi họ rút khỏi thị trường Việt Nam. Để tăng sức mạnh thương hiệu Việt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, tháng 5/2021, Công ty CP Tập đoàn Masan công bố đầu tư vào chuỗi cà phê Phúc Long, VinCommerce, Vinacafe Biên Hòa.
Tổng giám đốc VinCommerce Trương Công Thắng cho biết, sự kết hợp các sản phẩm thương hiệu Phúc Long, Vinacafe Biên Hòa cùng mạng lưới trên 2.200 cửa hàng VinMart+ hiện có và 10.000 cửa hàng trong 5 năm tới sẽ giúp 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội sử dụng trà, cà phê Việt chất lượng cao.
Nói về những lợi ích tiêu thụ sau khi mua hệ thống siêu thị Auchan, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức nêu rõ, việc tiếp quản Auchan khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op, đồng thời hỗ trợ DN sản xuất hàng Việt tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. “Nông thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang các nước mà tập đoàn bán lẻ Auchan đang hiện diện và Auchan sẽ là đầu mối cho hàng Việt vào thị trường Pháp và các nước EU” - ông Nguyễn Anh Đức nói.
Liên quan đến kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị E-Mart tại Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương (DN giành quyền kiểm soát E-Mart) thông tin, mục tiêu của Thaco với mảng bán lẻ là phát triển E-Mart thành một điểm không chỉ mua sắm thực phẩm mà còn tiếp cận sản phẩm xe ô tô.
Liên quan đến kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị E-Mart tại Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương ( DN giảnh quyền kiểm soát E-Mart) thông tin, mục tiêu của Thaco với mảng bán lẻ làphát triển E-Mart thành một điểm không chỉ mua sắm thực phẩm mà còn tiếp cận sản phẩm xe ô tô.
Nói về việc DN Việt đẩy mạnh đầu tư hệ thống bán lẻ, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, khi DN Việt chiếm lĩnh được kênh phân phối bán lẻ, chúng ta mới chủ động đưa được nguồn hàng Việt vào hệ thống phân phối tiêu thụ.
Ý kiến của chuyên gia, DN bán lẻ Việt Nam cho thấy, DN bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh sòng phẳng so với đối thủ ngoại, thậm chí có phần chiếm ưu thế nhờ sự am hiểu sâu về thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân. Khi hệ thống siêu thị Việt lớn mạnh, người được lợi đầu tiên chính là các DN sản xuất hàng Việt,bởi có một hệ thống phân phối cùng đồng hành xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt đến tay người Việt.
"Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ, tuy nhiên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đòi hỏi bán lẻ phải luôn luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh, nhằm bảo đảm ổn định cho đầu vào. Thêm vào đó, giữa sản xuất và nhà bán lẻ Việt phải có mối quan hệ giao dịch mua bán minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; loại bỏ hiện tượng ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất." - Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú |