Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc:

Doanh nghiệp phải tuân thủ “luật chơi” chính ngạch

Ánh Ngọc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cánh cửa để nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc rất rộng mở nhưng luôn hiện hữu không ít rủi ro.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, “luật chơi” chính ngạch với thị trường Trung Quốc đòi hỏi các DN Việt Nam phải hiểu rõ, tuân thủ đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.

Nhiều yêu cầu mới, quy định khắt khe

Ông có thể đánh giá hiệu quả cả trước mắt và lâu dài của việc mới đây (ngày 1/11), Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc?

- Nghị định thư được ký kết sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho người trồng chuối và xuất khẩu chuối của Việt Nam. Đó là đảm bảo việc xuất khẩu chuối theo hình thức chính ngạch, mang tính ổn định bền vững. Về lâu dài, điều này giúp đưa sản xuất chuối của Việt Nam phát triển với quy mô lớn hơn, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa những người trồng chuối với nhau, giữa người trồng chuối và nhà đóng gói, DN xuất khẩu, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo uy tín cho chuối của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một điểm cộng nữa là khi thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư sẽ giúp giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu, góp phần giảm ùn tắc ở cửa khẩu.

Nội dung Nghị định thư quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Phải nói là theo Nghị định thư, chuối tươi được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải tuân thủ nhiều quy định. Nghị định thư sẽ có hiệu lực trong 5 năm. Theo nội dung ký kết, chuối tươi của Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Khi chuối tươi tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra, kiểm dịch.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ NN&PTNT và được cả Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); quản lý vùng trồng phải thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); tổ chức các hoạt động giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm trong cả năm...

Trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ NN&PTNT phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Tỉnh táo nhận diện rủi ro

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu quả chuối tươi của Việt Nam hiện nay?

- Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng chuối cả nước hiện đạt khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Trong 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu chuối tươi lại tăng mạnh với trị giá xuất khẩu đạt 237 triệu USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và vươn lên đứng thứ 2 trong vị trí các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam.

 

Bài học nhãn tiền về thông quan gặp khó, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng đặt ra yêu cầu đối với các hiệp hội ngành hàng, DN, cần thiết phải tính toán cho tiêu thụ nội địa hoặc những thị trường khác vào cao điểm mùa thu hoạch nông sản, nhằm giảm tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, gây thiệt hại cho DN, người sản xuất.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản

Tiềm năng xuất khẩu của trái chuối tươi và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Theo một số thương lái và DN xuất khẩu chuối tươi, Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam vì 2 nước láng giềng rất thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả.

Dự báo, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỷ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Do đó, Nghị định thư vừa được ký kết sẽ mang đến mức tăng trưởng đáng kể cho quả chuối Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Vậy cơ hội để xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản khác của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là rất rộng mở và thuận lợi, thưa ông?

- Chuối cũng như tất cả các loại nông sản khác cần phải chuẩn hóa và đáp ứng được chuẩn mực của thị trường. Do đó, nếu các loại nông sản, nhất là mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam đều được ký kết Nghị định thư thì chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Cũng cần phải nhấn mạnh, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam về mặt hàng rau quả, trái cây tươi. Trong giai đoạn xuất khẩu khó khăn, nhất là do chi phí vận chuyển tăng cao, thị trường sát sườn này càng quan trọng. Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính vì đã áp dụng chặt chẽ quy định mới từ quy trình trồng đến đóng gói đòi hỏi cả người nông dân lẫn DN xuất khẩu phải thay đổi về tư duy sản xuất.

Cơ hội thì luôn song hành thách thức, rủi ro. Theo ông đâu là những rủi ro mà các DN xuất khẩu nông sản Việt cần phải tỉnh táo nhận diện?

- Đó là nguy cơ ùn tắc hàng hóa vào dịp cao điểm, giáp Tết Nguyên đán hoặc Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng cường quản lý cửa khẩu. Nguy cơ lừa đảo thanh toán ép cấp, ép giá do không có hợp đồng rõ ràng, gây hiểu lầm cho DN và khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý; ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt.

Một thách thức lớn đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là xu thế kiểm soát vệ sinh ATTP từ cơ sở sản xuất, nuôi trồng; áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, thị trường Trung Quốc thay đổi hệ thống quản lý và giám sát ATTP; giám sát ATTP theo hệ thống Lệnh 248-249; chính sách Zero Covid-19 tại cơ sở sản xuất và trên bao bì phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh.

Đầu tư chất lượng để đi đường dài

Ông có khuyến nghị gì dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt?

- Trước hết DN, hợp tác xã cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; thay đổi tiếp cận ATTP giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Cùng với đó, lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.

Về phương thức xuất khẩu, các DN cần chú trọng xuất khẩu chính ngạch bằng hợp đồng mua bán, giao dịch rõ ràng, thực hiện qua cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu chính. Đặc biệt là thực hiện mô hình kinh tế tuần hòa để tận dụng các nguyên liệu tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ canh tác, sản xuất, chế biến…

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?

- Đầu tiên phải kể đến Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Đối với xuất khẩu nông sản, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch. Bộ cũng phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ DN khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ tích cực hướng dẫn DN, người dân đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số DN.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, ngành Hải quan trong các đàm phán song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, phương thức kiểm dịch, mức thuế, cơ chế thông quan và thanh khoản đối với từng mặt hàng nông sản. Mặt khác, tiếp tục cập nhật và truyền tải kịp thời các thông tin thị trường tới DN, người sản xuất, các hiệp hội ngành hàng, địa phương trong cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!