Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp phương Tây ngày càng khó “chia tay” thị trường Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Moscow đã siết chặt các quy định đối với các công ty phương Tây muốn rời khỏi Nga, yêu cầu giảm giá bán tài sản 50% cũng như đóng góp cho ngân sách Nga ít nhất 10% giá bán.

Các doanh nghiệp phương Tây muốn rút khỏi Nga và bán tài sản của họ ở nước này sẽ phải đóng góp 15% cho ngân sách nhà nước. Ảnh: RT
Các doanh nghiệp phương Tây muốn rút khỏi Nga và bán tài sản của họ ở nước này sẽ phải đóng góp 15% cho ngân sách nhà nước. Ảnh: RT

Tờ Izvestia dẫn thông báo mới nhất của Bộ Tài chính Nga cho biết, các doanh nghiệp phương Tây đang tìm cách rút khỏi Moscow và bán tài sản của họ ở nước này sẽ phải đóng góp 15% cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Ivan Chebeskov - Giám đốc Vụ Chính sách Tài chính của Bộ Tài chính Nga, cổ phiếu của mỗi doanh nghiệp phương Tây sẽ được tính từ toàn bộ giá trị tài sản của công ty trên thị trường. Ông cho hay Ủy ban Đầu tư nước ngoài sẽ công bố quyết định về việc này trong thời gian tới.

Theo quy định hiện tại, các công ty nước ngoài từ những quốc gia được xem là “không thân thiện” muốn rời khỏi Nga phải thông qua Ủy ban Chính phủ.

Tờ Financial Times (FT) hồi giữa tháng trước đưa tin, các công ty phương Tây tiếp tục hoạt động ở Nga kể từ bùng phát xung đột tại Ukraine đã không thể tiếp cận hàng tỷ USD lợi nhuận của họ và không thể chuyển chúng ra khỏi Nga.

Theo nghiên cứu của trường Kinh tế Kiev (KSE), vào cuối năm 2022, các công ty bị Nga xếp vào danh sách "không thân thiện” đã tạo ra lợi nhuận ít nhất 18 tỷ USD.

Dữ liệu của KSE cho thấy trong số các công ty được cho là "không thân thiện" vẫn hoạt động tại Nga, ngân hàng Raiffeisen của Áo có mức thu nhập lớn nhất trong năm ngoái với 2 tỷ USD. Tiếp đến là tập đoàn Mỹ Philip Morris và PepsiCo thu về lần lượt 775 triệu USD và 718 triệu USD.

Với khoản lợi nhuận 621 triệu USD, tập đoàn Scania của Thụy  Điển là công ty có thu nhập cao nhất trong số các doanh nghiệp nước ngoài đã rút khỏi thị trường Nga kể từ năm 2022.

Một nguồn tin tiết lộ với tờ báo Anh rằng việc rút cổ tức khỏi nước Nga cũng khó khăn tương tự việc bán một doanh nghiệp. Thậm chí, đối với một số công ty từ các quốc gia “thân thiện” như Ấn Độ cũng không tránh khỏi những rắc rối trong việc chuyển cổ tức của họ về nước.

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, hàng loạt doanh nghiệp phương Tây đã “đổ xô” rút khỏi thị trường Nga do lo ngại tác động từ các lệnh trừng phạt. Một số công ty nước ngoài thông báo sẽ giảm nhập khẩu hàng hóa từ Nga hoặc giảm đầu tư mới vào nước này.

Tuy nhiên, việc rời khỏi Nga không hề đơn giản khi Moscow ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn rút khỏi nước này.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền Moscow đã thắt chặt các quy định đối với những công ty phương Tây muốn rời khỏi Nga, yêu cầu giảm giá 50% cho tất cả các giao dịch nước ngoài, cũng như đóng góp cho ngân sách Nga ít nhất 10% giá bán.

Vào tháng 7 vừa qua, Nga đã siết chặt các quy định về việc rời khỏi thị trường nước này, cấm chuyển tiền ra nước ngoài từ việc bán các doanh nghiệp nếu công ty thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc công ty mẹ từ danh sách các quốc gia "không thân thiện" của Nga.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng bị cấm đưa ra các lựa chọn mua lại đối với việc bán tài sản ở Nga của họ trong thời gian từ 2 năm trở lên.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phương Tây cũng không muốn mạo hiểm chuyển giao tài sản và cổ phần của họ cho các công ty tại những quốc gia mà Nga xem là “thân thiện” như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh.

Đối phó với làn sóng “tháo chạy” của các doanh nghiệp nước ngoài, Nga đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các đối tác ngoài phương Tây, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Chuyên gia Aleksey Kupriyanov thuộc Aspring Capital, người đã tư vấn cho Chính phủ Nga về hàng chục thương vụ của doanh nghiệp nước ngoài, nói với hãng tin Reuters rằng cuộc “di cư” của các công ty trên là một cơ hội lớn đối với các doanh nhân Nga, cũng như các đối thủ và đối tác kinh doanh.