Doanh nghiệp sữa... chưa lỗ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa chưa thua lỗ - đó là khẳng định...

Kinhtedothi - Doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa chưa thua lỗ - đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vào chiều 13/6, trong cuộc đối thoại về áp dụng biện pháp bình ổn giá với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với đoàn DN sản xuất, kinh doanh sữa từ Liên minh châu Âu (EU) gồm Nestlé, Mead Johnson, Abbot và Friesland Capina do ông Jean-Jacques Bouflet - Phó đại sứ EU tại Hà Nội dẫn đầu.

Nhiều chi phí bất hợp lý

Tại buổi đối thoại, đại diện các DN sữa nêu một số vướng mắc của các DN sản xuất và kinh doanh có các sản phẩm nằm trong 25 mặt hàng áp dụng biện pháp bình ổn giá như: Cơ sở tính giá tối đa cho 25 sản phẩm sữa của 5 DN trong Quyết định 1079/QĐ-BTC; Các chi phí hợp lý; Lợi nhuận hợp lý cho các DN khi ấn định giá trần…
Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa tại Siêu thị Hapro.      Ảnh: Trần Dũng
Khách hàng lựa chọn sản phẩm sữa tại siêu thị. Ảnh: Internet.
 
Giải đáp những thắc mắc này, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn thông báo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm  sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đưa ra dựa trên bối cảnh thị trường sữa cuối năm 2013, đầu năm 2014, khi các DN sản xuất, kinh doanh sữa liên tục điều chỉnh tăng giá. Trước tình hình trên, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thực hiện thanh tra 5 DN sản xuất, kinh doanh sữa, qua đó cho thấy, các DN kinh doanh, sản xuất sữa đã có khá nhiều chi phí bất hợp lý có thể tiết kiệm được như tiền hoa hồng quảng cáo, khuyến mãi... và có nhiều khoản chi phí có thể điều chỉnh. Cụ thể, các khoản chi phí không hợp lý là phần chi vượt (10% năm 2013, 15% năm 2014) tổng chi phí được trừ. Đây là một trong những yếu tố tác động làm tăng giá bán của mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Mặc dù giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới có điều chính tăng, giảm nhưng giá sản phẩm sữa tại thị trường Việt Nam trong những năm vừa qua không điều chỉnh tương ứng. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, giá sữa không chỉ ổn định mà còn được các nhà phân phối thực hiện giảm từ 10 - 20% nhằm kích cầu tiêu dùng. Từ những căn cứ trên, Bộ Tài chính đã quyết định giá tối đa cho 25 sản phẩm sữa.

"Diễn biến thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ năm 2007 đến nay cho thấy chỉ tăng mà không hề giảm. Thêm vào đó, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn 4,5 lần các nước khác trong khu vực. Như vậy, các DN hoàn toàn có thể tiết giảm chi phí không hợp lý để giảm giá thành và chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng là trẻ em dưới 6 tuổi" - ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Điều đó cho thấy, cơ quan Nhà nước không muốn can thiệp vào quá trình định thành giá của DN, nhưng việc DN đưa ra nhiều chi phí bất hợp lý, lợi nhuận quá cao, trong khi trẻ em không tiếp cận được sản phẩm với giá hợp lý đã buộc cơ quan Nhà nước phải can thiệp để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Nơi giảm, nơi không

Mặc dù, Bộ Tài chính đã áp giá trần cho mặt hàng sữa nhưng không phải mọi cửa hàng đều giảm giá. Chủ cửa hàng thực phẩm Hoàng Lan (Bách Khoa) cho hay, mặt hàng sữa Grow IQ 3+ của Abbott từ mức 420.000 đồng/hộp 900g đã giảm xuống còn 360.000 đồng/hộp. Mặt hàng có mức giá bán lẻ giảm mạnh nhất là sản phẩm Similac GainPlus IQ với Intelli Pro, giá bán lẻ mới ở mức 727.000 đồng/hộp 1,7kg (giảm 138.000 đồng). Sản phẩm Grow G-Power vanilla giảm xuống còn 641.000 đồng/hộp 1,7kg (giảm 101.000 đồng).  Trong khi đó, tại một siêu thị ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá các loại sữa hộp cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn được niêm yết như trước. Tại đây, sản phẩm sữa Grow 1 - 2 - 3 có các mức giá 168.000 đồng/hộp - 160.000 đồng/hộp - 150.000 đồng hộp trọng lượng 400g; Friso Gold 900g có giá 460.000 đồng/hộp…

Sau ngày 21/6 mới có thể xử phạt

Dù quy định áp trần giá sữa đã có hiệu lực, nhưng phải đến ngày 21/6, các DN, cửa hàng bán lẻ mới phải niêm yết giá trần với các nhãn sữa bán lẻ. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thời điểm hiện tại, chưa có DN nào bị xử phạt theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Để đề phòng việc lách luật tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã lường trước các kẽ hở mà DN có thể lợi dụng để chuẩn bị các phương án đối phó. 

Trên địa bàn Hà Nội, theo bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, đến ngày 12/6, ngoài 6 công ty đã đăng ký giá với Bộ Tài chính, Sở đã gửi văn bản, yêu cầu 12 công ty sản xuất, nhập khẩu sữa cùng các công ty sản xuất, nhập khẩu sữa khác có trụ sở chính đóng trên địa bàn TP phải lập biểu mẫu xác định giá bán buôn tối đa đối với tất cả sản phẩm dinh dưỡng có chứa thành phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do công ty phân phối. Trường hợp công ty bán buôn có tổ chức hệ thống phân phối riêng và có chính sách bán lẻ, trước ngày 20/6/2014 phải xác định giá bán buôn cho các khâu phân phối và giá bán lẻ tối đa. Giá bán lẻ tối đa không quá 15% so với giá bán buôn tối đa.
 
Hà Nội tổ chức bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi
UBND TP vừa ban hành Kế hoạch số 119-KH/UBND về việc tổ chức thực hiện việc bình ổn giá các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, việc bình ổn giá sữa trên địa bàn gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 11/6 - 6/7; giai đoạn 2 từ ngày 7/7 trở đi. Giai đoạn 1, TP thực hiện việc quản lý giá bán buôn tối đa đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất sữa, nhập khẩu sữa có trụ sở chính trên địa bàn TP. Giai đoạn 2, Sở Tài chính có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện đăng ký giá, kê khai đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn TP trước ngày 20/7.