Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp thép đối mặt với sức ép cạnh tranh

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành thép Việt Nam đang trải qua những tháng đầu năm ảm đạm khi nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp, đồng thời chịu sức ép từ các sản phẩm thép nhập khẩu.

Nhu cầu tiêu thụ thép còn thấp do thị trường BĐS vẫn chưa phục hồi toàn diện. Ảnh: Hải Linh
Nhu cầu tiêu thụ thép còn thấp do thị trường BĐS vẫn chưa phục hồi toàn diện. Ảnh: Hải Linh

Tiêu thụ nhỏ giọt

Thị trường nhà đất chưa vào đà phục hồi, khiến nhu cầu tiêu thụ thép các tháng đầu năm 2024 không mấy khả quan. Tình hình buôn bán, cung ứng sắt thép tại các đại lý rơi vào tình cảnh ảm đạm.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các đại lý sắt thép trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá sắt thép điều chỉnh giảm liên tiếp và đang được bán dao động quanh mức 14 triệu đồng/tấn.

Mặc dù từ tháng 2 âm lịch trở đi bước vào mùa xây dựng song sản lượng tiêu thụ của các DN lượng tiêu thụ hàng hoá vẫn nhỏ giọt, không mấy khả quan và không nhập hàng.

Ông Dũng - chủ một cửa hàng VLXD trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thông tin, thời điểm mùa xây dựng nhưng cửa hàng rất vắng khách.

"Mặc dù giá giảm nhưng nhu cầu rất chậm khiến khối lượng hàng nhập từ trước Tết của cửa hàng vẫn còn rất lớn. Đầu ra chậm dẫn đến nhiều DN sản xuất thép phải tạm dừng lò nhiều ngày nay" - ông Dũng cho hay.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản lượng thép xây dựng trong tháng 2/2024 ước đạt 833.152 tấn, giảm 17% so với tháng trước và giảm 12% so với tháng 2/2023. Bán hàng ước đạt 594.811 tấn giảm 41% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng ước đạt 142.631 tấn, tăng 24,5% so với tháng 2/2023.

Trong tháng 2/2024, bán hàng thép xây dựng tại miền Bắc giảm 11,7%; miền Nam giảm 14%; miền Trung giảm 16,8% và xuất khẩu tăng 19%. VSA cũng đánh giá nhu cầu thép xây dựng trong tháng 2 giảm do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng nhìn chung chưa có tín hiệu khởi sắc, hiện nay các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp và các chi phí tài chính.

Dự báo về triển vọng ngành, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay, năm 2023 chính là đáy của ngành thép và thị trường sẽ tốt hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có diễn biến lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Áp lực thép nhập khẩu

Mới đây, câu chuyện được nhiều DN trong ngành thép quan tâm đó là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu thép tăng đột biến cũng như giá thép cán nóng từ Trung Quốc giảm mạnh.

Thép HRC là nguyên liệu chính để sản xuất tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí...

Tại khuôn khổ chương trình gặp gỡ nhà đầu tư Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết, áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.

“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, rất nhiều DN thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đảm bảo đưa được sản phẩm ra ngoài” - ông Nguyễn Việt Thắng thông tin.

Theo chuyên gia về vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung, không chỉ ngành thép mà rất nhiều sản phẩm khác đang nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc.

Chính vì vậy, buộc các DN phải tăng cường xuất khẩu khi việc giảm tồn kho diễn ra chậm, trong khi đó riêng với HRC tại Việt Nam chỉ được sản xuất bởi Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhiều DN thép khác vẫn phải nhập khẩu từ các quốc gia khác.

"Trong tình hình nhu cầu thấp như hiện nay cần phải làm rõ biên độ phá giá của sản phẩm thép cán nóng HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu có tình trạng bán phá giá xảy ra, Chính phủ cần có sự can thiệp kịp thời bằng các biện pháp đủ mạnh như hạn chế định lượng hoặc nâng thuế nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước và bảo đảm một nền thương mại công bằng" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho hay.

 

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2%, tương ứng tăng 818 triệu USD so cùng kỳ và chiếm 62% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại của cả nước.