Doanh nghiệp Thủ đô mở rộng thị trường cho đặc sản vùng miền OCOP

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục doanh nghiệp Thủ đô, TP Hồ Chí Minh và Yên Bái đã có những chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, ký kết hợp tác đầu tư để cùng tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ ''Hành trình nhân ái - Yên Bái Caravan 2022'' - chương trình thiện nguyện đến với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trẻ em, học sinh nghèo vượt khó, học giỏi tại tỉnh Yên Bái do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Khai thác lợi thế

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt 20 doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đến với Yên Bái kết nối, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh. Ảnh: Khắc Kiên

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn đang tồn tại của hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại doanh nghiệp và tỉnh Yên Bái thời gian qua, đồng thời kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của Yên Bái nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung trong thời gian tới.

Sản phẩm của Yên Bái sẽ được doanh nghiệp Thủ đô và TP Hồ Chí Minh ưu tiên tiêu thụ, đưa vào những trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ nhằm hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm đạt OCOP được phân phối đến người tiêu dùng thông qua Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Hà Nội… Về phía Yên Bái, ông Mạc Quốc Anh đề nghị cung cấp thông tin đầy đủ, cơ hội hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái Bùi Thị Sửu. Ảnh: Khắc Kiên
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái Bùi Thị Sửu. Ảnh: Khắc Kiên

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái Bùi Thị Sửu đánh giá, từ lâu, Yên Bái nói riêng, khu vực phía Bắc nói chung có thế mạnh về sản xuất, chế biến nhiều loại nông sản, trái cây nổi tiếng. Nhưng giữa người sản xuất, cung cấp sản phẩm và người thu mua chưa có cơ hội, điều kiện tiếp xúc, kết nối giao thương với nhau. Vì vậy, người sản xuất, cung cấp sản phẩm gặp khó khăn trong tiêu thụ, còn người thu mua cũng gặp khó khăn trong việc thu mua sản phẩm để xuất khẩu.

Giới thiệu đặc sản tại chương trình. Ảnh: Khắc Kiên
Giới thiệu đặc sản tại chương trình. Ảnh: Khắc Kiên

Do vậy, việc tổ chức diễn đàn kết nối giao thương giữa nhà cung cấp ở Yên Bái với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 là cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã cung cấp, thu mua nông sản ở Yên Bái mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương và hứa hẹn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp địa phương.

Hình thành chuỗi liên kết

Thay mặt doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực TP Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam Hanoisme Từ Nguyên Bình chia sẻ, việc khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp, liên kết hiệp hội ngành nghề để hợp tác hình thành và phát triển chuỗi cung ứng liên kết với doanh nghiệp là rất quan trọng.

Các đại biểu chứng kiến các doanh nghiệp ký kết hợp tác. Ảnh: Khắc Kiên
Các đại biểu chứng kiến các doanh nghiệp ký kết hợp tác. Ảnh: Khắc Kiên
 

Sản phẩm đặc sản vùng miền không phải là cái gì xa vời, nếu người dân, doanh nghiệp biết làm tốt, quảng bá kết hợp với du lịch để trở thành điểm đến hút du khách. Trung tâm tập trung vào xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội đầu tư trong và ngoài nước; Xúc tiến thương mại; Xúc tiến nông nghiệp với các sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền, mỗi địa phương một sản phẩm; Xúc tiến về du lịch kết hợp với các vùng có những sản phẩm đặc sản… Do đó, mong hiệp hội 2 địa phương tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển hơn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh

“TP Hồ Chí Minh rất cần đầu vào của các sản phẩm nông sản đặc sản. Nếu doanh nghiệp Yên Bái và các tỉnh thành có nhu cầu kết nối với doanh nghiệp sản xuất thương mại, dịch vụ cho đến xây dựng, TP Hồ Chí Minh sẽ đứng ra hỗ trợ với mục tiêu đưa sản phẩm an toàn, chất lượng để tạo chuỗi cùng nhau phát triển” - ông Từ Nguyên Bình nói.

Cộng đồng doanh nghiệp đều có chung nhận định, Hanoisme đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và phát triển bền vững, đặc biệt tạo cầu nối các doanh nghiệp kết nối giao thương. CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa hy vọng các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kết nối, hợp tác và đầu tư. Ông đánh giá cao sáng kiến của Hanoisme đã tạo cơ hội cho những doanh nghiệp đến với Yên Bái, tìm kiếm sự hợp tác bền vững trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu còn được lắng nghe, giới thiệu, sản xuất nông sản GlobalGAP và nhà máy sơ chế, đóng gói xuất khẩu của một số doanh nghiệp tỉnh Yên Bái, tham quan sản phẩm đặc trưng khu vực Yên Bái…

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả cần tăng cường hơn nữa chương trình trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại điện tử, hạ tầng thương mại, đầu tư trong và ngoài nước; kinh nghiệm xây dựng chính sách quản lý và phát triển các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị…

Đồng thời, cần thúc đẩy chương trình tiếp cận các gói tài chính hỗ trợ đầu tư phát triển doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu đặc sản vùng miền của Yên Bái nói riêng, các tỉnh thành nói chung.

Tại diễn đàn, nhà quản lý, doanh nghiệp mong muốn lan tỏa, quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao được thu hoạch, sơ chế và đóng gói theo dây chuyền hiện đại, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP; những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Yên Bái đến với du khách trong và ngoài nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần