Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp trục lợi “Made in Vietnam”: Phải xử nghiêm, phạt nặng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, sau 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp nhiều sản phẩm có xuất xứ Việt Nam đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận hiện một số DN đã lợi dụng điều này để trục lợi.

 Kiểm tra hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải

Lợi dụng “made in Vietnam”
Cùng với những nghi vấn vấn cắt nhãn mác hàng Trung Quốc, đính nhãn mác SEVEN.am để bán ra thị trường đang được các cơ quan chức năng làm rõ, người tiêu dùng cũng thêm một lần nữa nghi ngại về cách làm của nhiều DN nội.
Những vụ việc bê bối của những thương hiệu thời trang có tiếng ở một đất nước như Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng uy tín, thương hiệu và hình ảnh quốc gia. Vì các DN bị phát hiện có sản phẩm đã định vị trong lòng người tiêu dùng trong nước và cả du khách quốc tế.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành
Thực tế cho thấy đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện DN sản xuất, kinh doanh thời trang giả mạo xuất xứ sản phẩm. Năm 2017, dư luận đã xôn xao việc lụa Khaisilk, một trong những thương hiệu thời trang rất được người tiêu dùng ưa chuộng lại bị phát hiện là hàng Trung Quốc đội lốt “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Phân tích về những vụ việc trên, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định: Cứ sau mỗi vụ việc được phanh phui, niềm tin của người tiêu dùng lại thêm một lần nữa bị tổn hại sâu sắc bởi họ bị DN lợi dụng vào sự tin tưởng đối với hàng hóa “Made in Vietnam”.
Cái mất lớn nhất là niềm tin
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục nhấn mạnh, bên cạnh việc xác định sản phẩm thời trang SEVEN.am, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ những lô hàng trên được nhập qua đường chính ngạch hay nhập lậu. “Nếu đây là hành vi làm giả nhãn mác, cố tình làm giả để trục lợi, đề nghị cơ quan chức năng cương quyết xử lý sai phạm vì sự việc xảy ra không chỉ những người tiêu dùng phải chịu thiệt mà còn có ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu Việt trên thế giới” - ông Dục nhấn mạnh.
Trên thực tế, hiện nay chưa có quy định về tiêu chí xuất xứ hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng không có căn cứ để phân biệt. Điều đó cho thấy Bộ Công Thương và các nhà hoạch định chính sách cần sớm xây dựng bộ quy định thế nào được coi là "Sản xuất tại Việt Nam" để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước, qua đó ngăn chặn việc DN tự làm giả sản phẩm của chính mình.