Thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm
Thông cáo của Bộ Tài chính cho hay, thời gian qua, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Theo đó, Bộ đã có công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với ngân hàng; nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Tổ chức làm việc trực tiếp với một số DNBH có phản ánh của khách hàng và yêu cầu DNBH xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Kết quả đến ngày 25/4/2023, tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email. Phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý, giám sát các DNBH. Tổ chức họp với toàn bộ DNBH nhân thọ, yêu cầu các DNBH rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện những quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, tăng cường chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.
Hiện, Bộ đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 DNBH thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023. Đẩy mạnh công tác thanh tra trong quý 2, quý 3/2023. Căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng phương án phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Bộ Công an vào cuộc vụ "hô biến" tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm Manulife
Trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát. Bộ cũng đã chuyển đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Bên lề cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) khẩn trương xác minh vụ việc khách hàng tố cáo ngân hàng và bảo hiểm Manulife bắt tay lừa dối, tư vấn sai lệch “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm.
Theo Người phát ngôn Bộ Công an, đến nay, C03 đã tiếp nhận 133 đơn của 128 cá nhân và 5 tập thể liên quan vụ việc này. Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thời gian qua, nhiều người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo hành vi của Công ty Manulife và Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Nội dung tố cáo là các cá nhân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán, đã được các nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife Việt Nam.
Liên quan đến khiếu nại của khách hàng với Manulife, thông tin trên báo chí, trong buổi làm việc mới đây với Manulife Việt Nam, một số khách hàng đã được làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" đã tham gia tại Ngân hàng SCB. Song khách hàng phải ký giấy xác nhận kèm một số điều khoản mà công ty bảo hiểm đã soạn sẵn và 10 ngày sau sẽ được nhận lại tiền.
Cụ thể, khách hàng phải cam kết "không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào với công ty, cũng không thực hiện bất kỳ hành động nào làm phương hại, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty" kể từ ngày nhận được đủ số tiền hoàn lại.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải cam kết không tiết lộ (dù trực tiếp hay gián tiếp) bất kỳ thông tin nào về nội dung trao đổi, các văn bản, thỏa thuận, email, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm, ghi hình cuộc họp liên quan đến vụ việc giữa khách hàng và công ty cho bên bất kỳ thứ ba nào hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội.