Thêm điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Tăng tính minh bạch thị trường
Kinhtedothi - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp, thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Một trong những đề xuất được quan tâm tại dự thảo này là việc bổ sung quy định siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính trong bối cảnh thị trường biến động. Theo các chuyên gia, đây là bước đi cần thiết nhằm tăng tính minh bạch, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.
“Nợ phải trả không quá 5 lần vốn chủ sở hữu”
Theo dự thảo, DN chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính gần nhất). Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với DN Nhà nước, đơn vị phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản, ngân hàng, công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, chứng khoán và quản lý quỹ đầu tư.

Ảnh minh họa.
Đại diện Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo cho biết, trái phiếu là sản phẩm tài chính có tính rủi ro cao, chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, việc bổ sung điều kiện phát hành là nhằm hạn chế rủi ro thanh toán và bảo vệ nhà đầu tư. Về mức "nợ phải trả tối đa 5 lần vốn chủ sở hữu", theo đại diện Bộ Tài chính, đây là mức thận trọng, đã loại trừ một số nhóm DN đặc thù. Mức này tương đương yêu cầu đối với DN khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nên không gây thêm thủ tục phức tạp.
Các chuyên gia nhận định, quy định mới sẽ nâng cao hiệu lực pháp lý, buộc DN duy trì mức đòn bẩy tài chính an toàn hơn khi phát hành trái phiếu. Tuy vậy, một số đại biểu cũng lưu ý nguy cơ ảnh hưởng đến những DN vốn có hệ số nợ cao như bất động sản, xây dựng, khi bị hạn chế kênh huy động vốn.
Trích dẫn
Dưới góc độ đơn vị tư vấn là công ty chứng khoán, thành viên của thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi có một số kiến nghị. Thứ nhất, cho phép DN đang vượt tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu 5 lần được phát hành trái phiếu nếu có tài sản bảo đảm rõ ràng hoặc cam kết lộ trình giảm nợ. Thứ hai, cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN uy tín để nhà đầu tư có thêm căn cứ đánh giá rủi ro. Thứ ba, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu công khai (niêm yết) thay vì chỉ phát hành riêng lẻ, để nâng cao tính minh bạch.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - đại biểu chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, quy định giới hạn tỷ lệ nợ/vốn đã từng áp dụng tại Nghị định 81/2020, góp phần làm giảm hiện tượng DN vốn mỏng phát hành trái phiếu ồ ạt. Ông ủng hộ việc đưa giới hạn 5 lần vào Luật để tăng tính ràng buộc pháp lý, đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động, tránh gây sốc cho thị trường.
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc, trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN Việt Nam thời gian qua tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, trong đó quy định giới hạn tổng nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, là hết sức cần thiết. Đây là bước đi nhằm tăng cường tính minh bạch, bảo đảm sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường tài chính.
Trước hết, quy định này giúp siết chặt kỷ luật tài chính trong DN, buộc DN phát hành trái phiếu phải có nền tảng tài chính vững chắc, hạn chế tình trạng phát hành ồ ạt, vượt quá khả năng trả nợ thực tế. Thị trường trái phiếu DN Việt Nam những năm gần đây đã chứng kiến nhiều vụ việc tiêu cực như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, khiến hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân chịu thiệt hại, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của thị trường. Bằng việc đặt ra giới hạn nợ/vốn, dự luật sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro hệ thống, và khuyến khích DN lành mạnh hóa tình hình tài chính.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, quy định này sẽ tạo ra khó khăn cho một số DN, đặc biệt trong các ngành như bất động sản, hạ tầng vốn có đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Một số DN có thể gặp hạn chế trong huy động vốn, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án. “Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng, dự thảo đã có sự linh hoạt khi miễn áp dụng quy định này với một số đối tượng đặc thù như DN Nhà nước, ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán, và DN phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản. Do đó, những lo ngại về việc “siết chặt quá mức” là chưa thực sự có cơ sở. Về lâu dài, quy định sẽ thúc đẩy DN chú trọng nâng cao vốn chủ sở hữu, cân đối tài chính lành mạnh hơn” - ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh.
Có nên mở rộng đối tượng tiếp cận trái phiếu riêng lẻ?
Tại thảo luận, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu mở rộng đối tượng nhà đầu tư được tiếp cận trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, công ty cổ phần chưa đại chúng có thể bán trái phiếu cho cá nhân, với điều kiện giới hạn số lượng nhà đầu tư, nhằm tăng nguồn cung vốn cho DN.
Về vấn đề này, ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay, việc mở rộng đối tượng nhà đầu tư cá nhân tiếp cận trái phiếu riêng lẻ với giới hạn số lượng nhà đầu tư, là một bước đi hợp lý để đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho DN, đặc biệt với nhóm công ty cổ phần chưa đại chúng. Bên cạnh việc gia tăng cơ hội huy động vốn, quy định giới hạn về số lượng nhà đầu tư cũng giúp kiểm soát quy mô rủi ro, hạn chế tình trạng phát hành tràn lan, kém minh bạch.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hệ thống, cần đồng bộ nhiều giải pháp như yêu cầu công bố đầy đủ thông tin về tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn; tiêu chuẩn hóa nhà đầu tư tham gia; tăng cường giám sát và chế tài đối với DN vi phạm. Mô hình này, nếu được thiết kế và thực thi đúng đắn, sẽ cân bằng được nhu cầu phát triển thị trường với mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư và ổn định tài chính.
Theo Báo cáo thị trường trái phiếu DN tháng 3/2025 của FiinGroup, tổng giá trị trái phiếu DN đang lưu hành đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Dù đã có sự phục hồi nhẹ trong hoạt động phát hành mới (đạt 17.200 tỷ đồng trong tháng 3), thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Đáng chú ý, giá trị trái phiếu mua lại trong tháng tăng mạnh tới 109%, phản ánh xu hướng nhà đầu tư muốn giảm rủi ro. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tính thanh khoản của thị trường trong dài hạn.
Tính chung quý I/2025, tổng giá trị phát hành chỉ đạt 22.800 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động từ Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm. TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh 5 yếu tố then chốt để phát triển thị trường lành mạnh: hoàn thiện khung pháp lý; nâng cấp hạ tầng thị trường; tăng cường giám sát; đa dạng hóa nhà đầu tư và gắn quản lý thị trường với kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Trích dẫn
Để thị trường trái phiếu DN thực sự phát huy vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, mở rộng cơ sở nhà đầu tư và nâng cao chất lượng các công cụ hỗ trợ thị trường. Hiện tại, các công cụ định giá trái phiếu, đường cong lợi suất và xếp hạng tín nhiệm chưa phát triển đầy đủ, khiến thị trường thiếu sự minh bạch thông tin về rủi ro, hạn chế khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư lớn. Điều này khiến DN khó huy động vốn do thiếu nhà đầu tư, nhà đầu tư không dám rót vốn do thiếu công cụ để đánh giá và quản lý rủi ro.

Sửa Luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp
Kinhtedothi - Chiều 24/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Gợi mở để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu trước thuế quan của Mỹ
Kinhtedothi - Dù chính sách thuế đối ứng sau đó đã được Mỹ tạm hoãn 90 ngày, nhưng những diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến ổn định của nền kinh tế Việt Nam và đòi hỏi có những chính sách, nỗ lực của DN để thích ứng. Trong đó ưu đãi về tài chính cho sản xuất hàng thiết yếu đang là một trong những giải pháp tối ưu.

Sáp nhập tỉnh thành: doanh nghiệp có phải đổi giấy phép đăng ký kinh doanh?
Kinhtedothi - Trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo các nghị quyết của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp đặt ra câu hỏi: việc thay đổi địa giới hành chính có buộc phải cập nhật lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không? Đây là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các giao dịch pháp lý của doanh nghiệp.