Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Nguyễn Chí Trường |
- Trong ngắn hạn, chúng tôi hỗ trợ công tác tuyên truyền để người học nhận thức được đúng giá trị của kỹ năng nghề khi tham gia các chương trình đào tạo GDNN. Đồng thời, tăng cường công tác chuẩn hóa, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ) thông qua việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (TCKNNQG). Mặt khác, chúng tôi khuyến khích các trường, DN phát triển chương trình đào tạo dựa vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề, nhu cầu tuyển dụng trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình đào tạo và chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp.
Về dài hạn, chúng tôi tiếp tục tham mưu ban hành các chính sách, đề án thực hiện đồng bộ việc phát triển kỹ năng nghề và GDNN theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hiện đại, sáng tạo, linh hoạt và hội nhập. Đặc biệt là chú trọng đào tạo phát triển kỹ năng theo Chỉ thị 24 ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy mạnh mẽ nguồn nhân lực có kỹ năng để tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới thông qua việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng. Trong đó, khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho NLĐ dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề. Việc này sẽ làm thay đổi gốc rễ của vấn đề từ khâu tuyển dụng chứ không chỉ qua quá trình đào tạo.Các DN được khuyến khích không tuyển dụng dựa vào bằng cấp nữa mà theo kỹ năng và năng lực hành nghề, từ đó làm thay đổi nhu cầu học tập, trang bị kỹ năng, kiến thức và dẫn đến thay đổi quá trình, phương pháp, cách thức đào tạo, phát triển kỹ năng nghề theo hướng cầu.
Ông có phản hồi gì khi vẫn có những ý kiến cho rằng học nghề là lựa chọn thứ 2, thứ 3?
- Không phải thế. Hiện tại các DN, công ty ở nước ta không biết bấu víu vào đâu để tuyển dụng. Họ chỉ có thể tuyển dụng NLĐ sẵn có trên thị trường lao động, đó là lao động chưa có bằng cấp hoặc phải có bằng cấp trường nọ kia, đã làm nảy sinh nhu cầu chạy đua theo học các trường. Nếu anh học đại học nhưng không làm được việc thì nhà tuyển dụng vẫn phải đào tạo lại.
Chính vì thế, ngày 5/5/2019, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, DN từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp chuyển đổi sang cơ chế tuyển dụng dựa vào kỹ năng. Bằng cấp là điều kiện cần để khẳng định NLĐ đã qua đào tạo cũng có ưu việt nhưng cần chú ý đến kỹ năng.
Hiện nay Bộ LĐTB&XH đang đẩy mạnh công tác chuẩn hóa, công nhận kỹ năng nghề cho NLĐ. Mặc dù đây là yêu cầu rất mới nhưng về lâu dài nó cũng thay đổi được tư duy bằng cấp.
Theo ông, trong tình hình hiện nay, các trường nên đào tạo nghề thế nào để đạt chất lượng?
- Cơ hội bền vững nhất là nhà trường chỉ có bắt tay với DN cùng tuyển dụng, tuyển sinh và thực hiện đào tạo dựa vào nhu cầu tuyển dụng và tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Qua đó, chứng minh được người tốt nghiệp của trường có kỹ năng đáp ứng ngay với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Còn nếu các trường chỉ chú trọng truyền thông và thiếu gắn kết với DN chỉ là những việc làm mang tính trước mắt, chưa có chiều sâu.
Sau khi DN tuyển dụng, sử dụng kết quả đào tạo, nhà trường phải có hướng cho NLĐ học tập suốt đời dựa vào kỹ năng, tiếp tục rèn luyện kỹ năng dựa vào nhu cầu của nhà tuyển dụng. Có nghĩa, nhà trường bắt tay với DN đào tạo theo nhu cầu và tạo ra xu thế phấn đấu, rèn luyện, thăng tiến nghề nghiệp dựa vào kỹ năng. Khi DN tuyển dụng dựa vào kỹ năng sẽ tạo thành cách làm mới từ đó hướng giới trẻ theo, toàn xã hội nhận diện đúng về giá trị của kỹ năng thay vì chỉ bằng cấp. Lúc đó hoạt động GDNN của nhà trường mới bền vững và lâu dài được.
Xin cảm ơn ông!