Hành động này không chỉ thể hiện tấm lòng “lá lành đùm lá rách” của người lao động mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững của khối DN.
Bão Yagi đã gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Mưa lớn và lũ lụt đã hủy hoại cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và làm gián đoạn sản xuất, gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh này, cùng với đồng bào cả nước, các doanh nhân, DN cùng hướng về đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại nặng nề trước sự tàn phá khốc liệt của bão lũ, thiên tai. Từ lương thực, thực phẩm… đến hàng chục tỷ đồng đã được huy động, đóng góp quan trọng trong việc khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ cộng đồng tái thiết cuộc sống.
Theo thống kê, đến ngày 10/9/2024, danh sách ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Bắc đã lên đến con số trăm tỷ đồng. Trong đó nhiều ngành, nhiều cái tên đóng góp lớn như ngành ngân hàng Việt Nam ủng hộ 37,4 tỷ đồng. Một số đơn vị như SHB, VIB, MBBank, SeABank mỗi đơn vị ủng hộ 2 tỷ đồng, Shinhan Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng...
Các DN lớn cũng vào cuộc mạnh mẽ. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủng hộ 20 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bảo Việt mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng; TH True Milk ủng hộ 2 tỷ đồng…
Ngoài tiền mặt, những chuyến hàng cứu trợ vẫn miệt mài chuyển đến người dân giữa vùng lũ. Sự chung tay của các DN đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa khó khăn.
Các hành động thiết thực này không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của các DN trong việc đồng hành cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cuộc sống của người dân. Lớn hơn nữa, những hoạt động an sinh quy mô lớn còn thúc đẩy và hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Câu chuyện trách nhiệm xã hội của DN - doanh nhân từ lâu đã được nói nhiều đến, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững hiện nay. Vậy, trách nhiệm xã hội của DN - doanh nhân là gì, ý nghĩa của việc thực thi các trách nhiệm xã hội trong hướng đến sự phát triển bền vững của chính DN và nền kinh tế như thế nào?
Có thể hiểu, trách nhiệm xã hội của DN là đề cập đến những nỗ lực và trách nhiệm của DN nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại và tối đa hóa tác động tích cực và hữu ích lâu dài đối với xã hội.
Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của DN được định nghĩa là một công cụ để các tổ chức, DN hoàn thành các hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội và đạt được cam kết đối với xã hội.
Hơn nữa, trách nhiệm xã hội của DN cho phép các tổ chức phát triển và cung cấp các nguồn lực một cách hiệu quả.
Ý nghĩa xa hơn, trách nhiệm xã hội của DN được đánh giá là phương tiện hiệu quả để đạt được lợi thế cạnh tranh. Các chương trình từ thiện, các chiến lược phát triển bền vững của DN là một cách tiếp cận toàn diện để DN tối đa hóa giá trị kinh tế, xã hội và môi trường lâu dài.
Theo đó, 3 khía cạnh đối với một mô hình kinh doanh bền vững, gồm: bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; bền vững về mặt xã hội là hoạt động kinh doanh không gây hại cho các hệ thống xã hội, không làm suy giảm phúc lợi của các thế hệ tương lai; bền vững về kinh tế là đáp ứng nhu cầu tài chính của DN, tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ các sáng kiến xã hội và môi trường bền vững.
Giới chuyên gia cho rằng, các DN ủng hộ trách nhiệm xã hội của DN thông qua việc khuyến khích các nguyên tắc kinh doanh tạo ra giá trị xã hội, minh bạch, hành vi đạo đức. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của DN tạo ra các giá trị cốt lõi có ảnh hưởng tích cực đến nhân viên và cộng đồng trong các lĩnh vực mà DN phát triển…