Doanh nghiệp vận tải lao đao giữa bão giá xăng, dầu

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa kịp khởi sắc sau dịch Covid-19 được bao lâu, các DN vận tải lại phải liên tiếp hứng chịu những cơn “bão giá” mới do xăng, dầu gây ra, khiến họ lao đao, choáng váng.

Khó chồng khó

Đợt bùng phát mạnh nhất của dịch bệnh Covid-19 bắt đầu vào cuối năm 2021 và kéo dài sang tận đầu năm 2022. Đây là “cơn bão” đánh gục hầu hết DN vận tải nói chung và vận tải hành khách đường bộ nói riêng. Hàng loạt DN vận tải lớn phải tạm dừng hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi giá xăng dầu lên, xuống thất thường. Ảnh: Hải Linh
Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi giá xăng dầu lên, xuống thất thường. Ảnh: Hải Linh

Chỉ khi “cơn bão” Covid-19 thật sự lắng xuống, hoạt động vận tải hành khách đường bộ mới từng bước lấy lại “sức sống” của mình. Trong khoảng 1 - 2 tháng trở lại đây, các nhà xe đã bắt đầu hoạt động rôm rả hơn, lượng khách trên xe được lấp đầy hơn.

Dù vẫn còn cách rất xa so với thời kỳ dịch bệnh chưa bùng phát nhưng đây cũng là một tín hiệu rất đáng mừng. “Hiện nay, tuyến xe của chúng tôi đã phục hồi được 60% sản lượng, gấp đôi so với năm 2021” - ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến nay, lượng khách di chuyển từ các khu vực Đồng bằng đến Trung du miền núi đạt 80 - 90% so với trước dịch, khách đi từ các tỉnh đến những trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng nhưng ít hơn.

Riêng các chuyến xe liên tỉnh xuất phát từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đạt 30% trong các ngày thường và tăng lên 80 - 90% trong dịp Lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Trong khi đó, số lượng xe của các công ty ký hợp đồng vận tải tuyến cố định vào các bến vẫn còn từ 10 - 20% chưa quay lại hoạt động.

Chưa kịp mừng vì sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được bao lâu, các DN vận tải lập tức phải đối mặt với một “cơn bão” mới. Đó chính là “bão giá” nhiên liệu, mà cụ thể là giá xăng, dầu. Trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp tự phá “kỷ lục”.

Đến thời điểm hiện tại, giá xăng đã ở ngưỡng xấp xỉ 30 ngàn đồng/lít, cao nhất trong lịch sử. Điều đáng nói, cơn bão này chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại trong thời gian tới. Với việc chiếm tới 40% giá thành vận tải thì khi giá xăng, dầu tăng cao, hầu hết DN vận tải đều phải chịu lỗ.

Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát Đỗ Văn Bằng nhận định, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến DN tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả hành khách đi xe và nhà xe.

Các DN vận tải cho rằng, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao với hoạt động vận tải không kém gì so với dịch bệnh Covid-19. Dù hai “cơn bão” này tàn phá ở những mặt khác nhau, nhưng thiệt hại mà DN vận tải hứng chịu đều chung quy về một mối, đó là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Điều đáng nói, "bão giá" xăng dầu diễn ra ngay sau “bão" Covid-19, nó mang tới tác động cộng hưởng khiến cho độ “sát thương” càng lớn.

Covid-19 khiến cho hành khách đi xe sụt giảm, người lao động làm việc trong các DN vận tải bỏ việc rất nhiều. Để giữ chân người lao động, DN phải tăng chi phí phúc lợi. Trong khi đó, để kéo được hành khách quay trở lại với xe khách, các DN không dám tăng giá vé hoặc có tăng cũng chỉ ở mức độ rất thận trọng.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chắc chắn không thể kéo dài. Vì thế, nếu giá xăng, dầu vẫn tiếp tục tăng phi mã như hiện nay, nhiều DN vận tải sẽ bị quật ngã, như cái cách mà đại dịch Covid-19 quật ngã họ trước kia. Ông Ngô Ngọc Quý - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hiển Vinh khai thác tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình cho biết, sau dịch bệnh, hoạt động vận chuyển khách vẫn chưa trở lại bình thường.

Đúng vào lúc này, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục đã tiếp tục gây ra những áp lực rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các DN vận tải. Với riêng Công ty TNHH vận tải Hiển Vinh, ông Ngô Ngọc Quý cho hay, hiện DN duy trì 1 chuyến/ngày, tương đương với 50% công suất với tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình (tuyến nội tỉnh Hòa Bình - Mai Châu duy trì 60% công suất).

Rõ ràng, so với thời kỳ trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công suất khai thác của DN mới chỉ đạt được phân nửa. Trong điều kiện giá xăng, dầu tăng cao, dù cơ quan quản lý đã cho phép điều chỉnh giá lên nhưng DN vẫn đang tính toán rất thận trọng. DN phải tiết giảm chi phí tối đa và duy trì để giữ khách, bảo đảm luồng tuyến.

Rào cản cho nền kinh tế phục hồi

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Giá xăng, dầu lại tăng nên để cân đối thu chi, DN vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì DN sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, để hỗ trợ các DN vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo ATGT và tạo môi trường vận tải công bằng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao không chỉnh hướng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các DN vận tải hành khách mà còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là rào cản rất lớn cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mới đang bước vào giai đoạn dần phục hồi.

Bão giá xăng, dầu chính là trở ngại làm giảm tốc độ tăng trưởng, cạnh tranh của các mặt hàng, nhất là khi nước ta mới bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, du lịch.

“Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng, dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy khả năng phục hồi sản xuất của các DN và tốc độ tăng trưởng kinh tế bị tác động nghiêm trọng” - PGS.TS Ngô Trí Long nói, và cho rằng, hoạt động vận tải mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại mà phải đối mặt ngay với việc xăng, dầu tăng giá nên khó khăn sẽ rất lớn. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ các DN vận tải để họ có thể đứng vững trong giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, theo quy luật, bất cứ khi nào giá xăng, dầu tăng cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng. Giá xăng, dầu tác động trực tiếp đến cả những mặt hàng tiêu dùng nhỏ nhất như mớ rau, cân thịt hay các mặt hàng chế biến sẵn. Tuy nhiên, nếu để nói mặt hàng chịu tác động trực tiếp nhất, chịu tác động đầu tiên từ giá xăng, dầu tăng đó chính là dịch vụ vận tải.

Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội.

Từ phân tích trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng, dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung để có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao; đồng thời, nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

 

"Giá xăng, dầu tăng làm kéo theo chi phí vận tải, logistics tăng... làm giảm lợi nhuận, thậm chí gây lỗ cho DN vận tải hoặc các ngành nghề sử dụng nhiều xăng, dầu, từ đó làm giảm sút giao dịch kinh tế. Khi diễn biến tăng giá lan sang các lĩnh vực khác, giá hàng tiêu dùng sẽ tăng. Và việc tăng giá này sẽ làm giảm thu nhập thực tế người lao động, gây khó khăn trong lực lượng lao động." - Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng