Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: cải thiện “nội lực” để mở rộng thị trường

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực thi ESG (môi trường - xã hội - quản trị) trong ngành vật liệu xây dựng (VLXD) có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao sự hài lòng của khách hàng và góp phần vào sự phát triển bền vững của DN.

Mở ra cơ hội kinh doanh

Ông Vũ Khánh Toàn - cố vấn thương hiệu Kobler tại thị trường Việt Nam cho biết, với thị trường Việt Nam những năm vừa qua tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nhiều DN đã tìm ra một hướng đi khác để mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh sản xuất VLXD đang "xanh hóa" trong hoạt động sản xuất và xu hướng thị trường thế giới đang thay đổi theo hướng giảm thiểu ô nhiễm, thân thiện với môi trường.

Dây chuyền sản xuất gạch men cao cấp tại Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ. Ảnh: Thế Hùng
Dây chuyền sản xuất gạch men cao cấp tại Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ. Ảnh: Thế Hùng

Là DN chuyên về vật liệu lát sàn thạch anh sử dụng công nghệ đầu cuối đến từ Đức kết hợp các giá trị phương Đông, mang đến giải pháp xây dựng xanh, tiện lợi cho các nhà thầu xây dựng cũng như cho công nhân khi thực hiện dự án. Các sản phẩm thương hiệu Kobler đưa đến khách hàng tương đối thiết thực, khi với chất liệu thạch anh đem lại sự thịnh vượng cho người tiêu dùng, tăng sự gắn kết cho các thành viên trong gia đình.

Để tạo ra sản phẩm như vậy, ông Vũ Khánh Toàn nhìn nhận, việc thực hiện ESG là sự lựa chọn để hướng đến phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cụ thể về quản trị, DN đã cố gắng tinh giảm, áp dụng công nghệ như quản trị để giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí tối ưu nhất. Nhiều dây chuyền sản xuất áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), những phần mềm để các đối tác ở nước ngoài có thể điều phối từ xa.

Với robot mô hình tự động giúp tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, với tự động hóa bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều nhất với nhau bảo đảm an toàn tuyệt đối, cũng góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và môi trường.

Còn Giám đốc Công ty CP Module9 Đỗ Văn Hải cho rằng, việc thực thi ESG trong các DN ngành VLXD không chỉ giúp nâng cao uy tín và giá trị bền vững cho công ty mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Trong đó, với môi trường, vốn là một trong những ngành có lượng phát thải khí nhà kính cao, chủ yếu từ việc sản xuất xi măng và các VLXD khác.

Các DN cần đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, như việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Hạn chế lượng chất thải từ quá trình sản xuất vật liệu, tái chế VLXD cũ và ứng dụng công nghệ giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm xã hội khi cung cấp môi trường làm việc an toàn, bảo đảm các điều kiện lao động tốt cho nhân viên, thực hiện các chính sách đãi ngộ hợp lý và bảo vệ sức khỏe người lao động, nhất là trong các công đoạn sản xuất có thể gây hại sức khỏe.

"DN cần xây dựng một chiến lược ESG toàn diện, đưa ra các mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động và phát triển bền vững trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống quản trị rõ ràng, minh bạch và tuân thủ các quy định pháp lý, bảo đảm quy trình kiểm soát chất lượng và giảm thiểu tham nhũng" - ông Đỗ Văn Hải cho biết.

Để thực hiện ESG thành công, ông Đỗ Văn Hải cũng kiến nghị, các DN cần đánh giá hiện trạng về môi trường, xã hội và quản trị của mình. Điều này bao gồm việc đánh giá mức độ phát thải CO2, các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động, và các tiêu chuẩn quản trị hiện tại. Xây dựng một chiến lược cụ thể với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về môi trường, xã hội và quản trị.

Ví dụ, giảm thiểu lượng CO2 trong sản xuất, tăng cường đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, hay cải thiện cơ chế giám sát và báo cáo nội bộ. Tích hợp các giá trị ESG vào văn hóa công ty, bảo đảm rằng tất cả các cấp nhân viên đều hiểu và cam kết thực hiện những tiêu chuẩn này trong công việc hàng ngày.

Không chỉ là "làm màu"

Trong ngành VLXD, DN vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ áp đảo (khoảng 80 - 90%), trong khi DN lớn chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. Vài năm gần đây, nhiều DN VLXD nhỏ và vừa đang nỗ lực gia tăng quy mô và cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xây dựng bền vững và giảm tác động môi trường. Một số đang chuyển hướng sang sản xuất các VLXD "xanh", thân thiện với môi trường, để đáp ứng các yêu cầu của thị trường và các chính sách của Chính phủ liên quan đến ESG.

Những DN vừa và nhỏ chủ yếu tập trung vào sản xuất và cung cấp các sản phẩm VLXD cho các dự án có quy mô vừa và nhỏ, hoặc phục vụ thị trường khu vực. Các DN này có thể gặp phải nhiều thách thức về tài chính, công nghệ và quy mô sản xuất, nhưng lại linh hoạt và dễ dàng điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, khi tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và thị trường BĐS có những dấu hiệu hồi phục, cơ hội để bắt kịp nhu cầu với các DN ngành VLXD là rất tốt, song để nắm bắt được cần phải củng cố năng lực sản xuất, hoàn thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác. Như vậy các sản phẩm cung cấp phải thực sự xanh, không phải "làm màu" nếu không muốn bị bỏ lại sau các DN biết nắm bắt cơ hội.

Bên cạnh đó, việc luật hóa về chất lượng sản phẩm, cụ thể với Thông tư 10/2024/TT-BXD sẽ kiểm soát chất lượng các loại VLXD, giảm thiệt hại cho ngành xây dựng khi các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt và cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm. Tất cả sản phẩm hàng hóa trên thị trường phải công bố rõ ràng về chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm thuộc nhóm 2 (xi măng, gạch gốm ốp lát, cát tự nhiên, gạch bê tông...) phải có giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm đáp ứng những quy chuẩn chất lượng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải cho biết, thúc đẩy ESG trong các DN không chỉ giúp nâng cao uy tín, tạo ra các giá trị lâu dài cho các cổ đông và các bên liên quan. Ở phương diện quốc gia, việc thực hành tốt ESG được xem là công cụ hỗ trợ cho Chính phủ thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Ngoài ra, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đòi hỏi các DN phải nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chí ESG để duy trì năng lực cạnh tranh.

"Thực tiễn triển khai ESG tại Việt Nam thời gian qua mặc dù có những kết quả ban đầu nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan. Hành trình này cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan từ cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán, tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư và cả cộng đồng" - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải nhìn nhận.

 

Trong một báo cáo mới nhất của Công ty Kiểm toán PwC Việt Nam được thực hiện cùng với nhiều tổ chức, đơn vị liên quan, khi khảo sát 234 đối tượng tham gia, ghi nhận 80% DN tại Việt Nam cam kết hoặc dự định cam kết về ESG trong 2 - 4 năm tới.