Doanh nghiệp Việt cần chủ động tận dụng FTA

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tham gia sâu rộng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định, tính chủ động của DN là yếu tố quan trọng.

Cơ hội song hành thách thức

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, quan hệ thương mại với 230 quốc gia, trong đó có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt trong mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể kể đến một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Tài cho biết, chỉ tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011 - 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 2,7 lần (từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020). Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Tài cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt được, mặt chưa được là xuất khẩu của chúng ta chưa bền vững. “Tất cả những con số, chỉ tiêu tôi vừa nêu là số lượng, còn tăng về chất còn yếu. Kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển dịch chuyển biến mạnh mẽ, song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến chế tạo, gia công lắp ráp, nguyên liệu thô. Điều này cho thấy, hiện chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI, các DN trong nước vẫn còn nhập siêu rất lớn” - ông Lê Hoàng Tài nhìn nhận.

Từ góc độ DN, ngành hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, lợi thế của các FTA đã được ngành da giày tận dụng tốt. Đây chính là động lực để ngành da giày vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn qua.

Hiện ngành da giày Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu sau Trung Quốc, đứng thứ 3 về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ. 6 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có FTA duy trì khá tốt. Điển hình như, với thị trường CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%, thị trường EU đạt 18%.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành vẫn khó khăn về đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu, như da thuộc hàng năm phải nhập hàng tỷ USD do mặt hàng này bị các quy định ngặt nghèo liên quan đến môi trường.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu duy trì được kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn thị trường khó khăn, tuy nhiên, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vương Đức Anh cho biết, mặc dù những con số xuất khẩu đều tăng nhưng dệt may Việt Nam đều chưa tận dụng được các FTA, vì chưa tuân thủ được những quy tắc xuất xứ, trong khi nguyên liệu vẫn chưa tự chủ được.

DN cần chuyên nghiệp hơn

Ông Lê Hoàng Tài nhận định, hiện tại, trong giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát, triển vọng xuất khẩu vào những thị trường có FTA vẫn tiếp tục tăng. Xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các DN xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Tài lưu ý, bên cạnh thuậ lợi, các FTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cả trên “sân nhà” và trên thế giới. Các FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật, trong khi tiềm lực, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế. Mặt khác, các FTA cũng đặt ra khó khăn cho DN về tiêu chuẩn lao động như không có lao động trẻ em, không có lao động cưỡng bức, vấn đề sở hữu trí tuệ… Tất cả điều này khiến chi phí của DN tăng lên, đầu tư tăng lên.

Để thúc đẩy xuất khẩu phát triển theo hướng bền vững, TS Lê Quốc Phương - chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để xuất khẩu chuyển mạnh tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng được tỷ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn. Thêm nữa, cần tăng khả năng cạnh tranh của DN để vươn lên ngang bằng với các DN FDI trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, cần cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp để tập trung vào sản xuất kinh doanh…

Đưa ra lời khuyên cho DN để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững, ông Lê Quốc Phương cho rằng, DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.

Đồng thời, nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan. Cần chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa DN với DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực trong lĩnh vực sản xuất mà còn nhân lực trong lĩnh vực thương mại để xuất khẩu bền vững và hiệu quả hơn.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần