Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Việt kiều: Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều đang trở thành kênh kết nối quan trọng đưa hàng Việt ra thị trường thế giới. Đây là khẳng định của các chuyên gia kinh tế khi nói về vai trò của kiều bào trong việc quảng bá tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Đưa hàng Việt vươn tới châu Âu

Ngày 19/2, tỉnh Đồng Tháp  đã xuất khẩu 3 tấn xoài cát chu sang thị trường Hà Lan thông qua Tập đoàn Mekong châu Âu BV (MCE). Tổng Giám đốc MCE Nguyễn Thanh Tấn cho biết, dự kiến đầu tháng 3/2022, doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu 8 tấn xoài tới thị trường châu Âu, sau đó sẽ hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ trên 30 tấn xoài/tháng tại 24 nước châu Âu.

Trước đó cuối năm 2021, Tập đoàn MCE đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ Công ty CP Mia Group xuất khẩu 5.000 tấn hoa quả vào thị trường châu Âu trong năm 2022. Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt kiều phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng trái cây ra thị trường quốc tế. Tháng 6/2021 lần đầu tiên EU nhập khẩu vải tươi Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị Thanh Hùng (TP Spijkenisse, Hà Lan).

Cửa hàng bán lẻ của Việt kiều tại Úc
Cửa hàng bán lẻ của Việt kiều tại Úc

Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển Diệp Văn Tỷ cho hay, những năm gần đây sản phẩm nông sản Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng. Nhằm giúp hàng Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Bắc Âu, Hội đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm hàng Việt Nam tại TP Malmo (Thụy Điển), qua đó nhập khẩu hàng Việt Nam số lượng lớn để đưa vào hệ thống bán lẻ khu vực Bắc Âu.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Tamda Foods tại Cộng hòa Czech Hoàng Đình Toàn cho biết, hệ thống bán lẻ Tamda Foods mong muốn tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm Việt Nam sang châu Âu tiêu thụ. “Đơn vị sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu, qua đó làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp bán lẻ châu Âu”, ông Hoàng Đình Toàn khẳng định.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù hàng Việt có nhiều tiềm năng tiêu thụ ở nước sở tại thông qua doanh nghiệp Việt kiều, nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình xuất khẩu.

Vải tươi Việt Nam tại hệ thống siêu thị Thanh Hùng (TP Spijkenisse, Hà Lan).
Vải tươi Việt Nam tại hệ thống siêu thị Thanh Hùng (TP Spijkenisse, Hà Lan).

Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu Hoàng Mạnh Huê nêu rõ, mặc dù doanh nghiệp Việt kiều đã chung tay kết nối tiêu thụ hàng Việt, nhưng hiện mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

CEO Công ty LNS US LLC (Mỹ) Jolie Nguyễn thông tin, hiện Mỹ đang dần loại nông sản Trung Quốc ra khỏi thị trường, đây là cơ hội cho Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Nhưng để làm được việc này đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải hiểu rõ luật tiểu bang, liên bang và các quy định riêng của từng ngành tại thị trường Mỹ.

Tương tự, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan Hoàng Xuân Bình cho rằng, việc hợp tác tiêu thụ hàng Việt Nam tại Ba Lan thời gian qua cho thấy hàng Việt ít cải tiến mẫu mã theo quy chuẩn nước sở tại nên chưa thu hút được người dân bản địa tiêu thụ. “Một số mặt hàng như mỳ ăn liền chưa đáp ứng tiêu chuẩn về những hóa chất trong thành phần nên tiêu thụ rất khó khăn. Đây là vấn để đòi hỏi các bộ như NN&PTNT, Công Thương sớm giải quyết, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ”, ông Hoàng Xuân Bình nêu ví dụ.

 

Thời gian tới Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập, trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ.

Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu - TS Hoàng Mạnh Huê

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa hàng Việt xâm nhập thị trường châu Âu, Mỹ, Úc... Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lại không dễ thực hiện bởi thiếu kinh phí marketing, giới thiệu sản phẩm... Để khắc phục khó khăn này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc Trần Hải Linh cho rằng, trong thời gian tới doanh nghiệp trong nước nên đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp Việt kiều tổ chức quảng bá sản phẩm Việt, qua đó giảm chi phí, tăng cơ hội thâm nhập thị trường nước sở tại.

Hiến kế những giải pháp giúp doanh nghiệp trong nước khắc phục khó khăn trong quá trình đưa hàng Việt tới thị trường thế giới, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức Võ Văn Long nêu rõ, dịch Covid-19 khiến giá bán các mặt hàng nông sản tại CHLB Đức tăng ít nhất 30%, đây là cơ hội để hàng Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu sang CHLB Đức và châu Âu một cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất cần đẩy mạnh kết hợp với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu nói chung, CHLB Đức nói riêng.

“Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở nước ngoài như Incentra (Liên bang Nga), Đồng Xuân ở Berlin (CHLB Đức) , Sapa (Cộng hòa Czech), Thanh Bình Jeune (Pháp)… để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ”, ông Võ Văn Long hiến kế.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại nước ngoài thông qua doanh nghiệp Việt kiều, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc thực hiện trong năm 2022 triển khai Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024".

Theo đó, các sở, ngành thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Phối hợp với các tập đoàn phân phối bán buôn bán lẻ lớn trên thế giới có doanh nghiệp ở Việt Nam để đưa sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam phân phối trong các mạng lưới của hệ thống phân phối nước sở tại. Qua đó góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt  tại thị trường trọng điểm như Mỹ, Nga, Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...