Doanh nghiệp Việt ra thị trường quốc tế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Vinfast, một DN Việt khác là Công ty CP VNG đã thông báo đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) tại sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).

Chưa biết DN Việt có thực hiện được các mục tiêu trong hành trình tham vọng của mình khi “mang chuông đi gõ xứ người” hay không nhưng việc mỗi ngày, mỗi năm thêm những cánh chim mang thương hiệu Việt bay ra toàn cầu đều rất đáng trân trọng.

Theo công bố của Công ty CP VNG (mã CK: VNZ), VNG Limited - cổ đông lớn của VNG - đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC). Cụ thể, VNG Limited dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch VNG. Các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này bao gồm Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc…. Quy mô giao dịch và khoảng giá chào bán hiện chưa được xác định. Hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh và chưa được Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ công bố hiệu lực.

Như vậy, sau Vinfast, có thể sẽ thêm một công ty Việt Nam đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Việc nộp hồ sơ IPO trên sàn chứng khoán Mỹ đã được VNG công bố khá lâu. Từ năm 2017, công ty này đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq ở Mỹ. Riêng về VNG Limited, đây hiện đang là cổ đông lớn nhất của VNZ. Gần đây, VNG Limited đã bán 3,48 triệu cổ phiếu VNZ theo hình thức thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu từ 61,12% xuống còn gần 49%.

Thực tế, VinFast hay VNG không phải là những DN đầu tiên đã và có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Tháng 9/2009, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) là cái tên DN Việt đầu tiên nêm yết thành công trên Nasdaq. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, cổ phiếu của Cavico bị hủy niêm yết vì không đáp ứng điều kiện về giá cổ phiếu trong 6 tháng liên tiếp.

Có nhiều mục tiêu khi DN Việt chọn Mỹ là thị trường để mở rộng thương hiệu, kênh bán hàng và các kênh huy động vốn. Đây là thị trường hàng hóa, tiền tệ, công nghệ hàng đầu thế giới. Và cũng là cơ hội để DN Việt mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp cận tốt hơn với các định chế tài chính lớn của thế giới để huy động vốn.

Việc DN có đạt được mục tiêu đặt ra khi bước chân lên sàn quốc tế lớn hay không thì còn phải chờ, tuy nhiên, đây là một nỗ lực lớn trong hành trình thực hiện tham vọng vươn tầm thế giới, tạo lập hình ảnh một DN toàn cầu.
Thời gian tới, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cái tên DN Việt ra biển lớn. Và chắc chắn cũng sẽ có những DN Việt lớn nhưng họ không chọn con đường niêm yết sàn Mỹ. Đó là lựa chọn của mỗi DN trong hành trình thực hiện các kế hoạch, các tham vọng của mình, tuy nhiên, hành trình nào cũng đáng trân trọng khi người Việt Nam, cờ Việt Nam, DN Việt Nam ngày càng ghi dấu ấn trên trường quốc tế.

Cavico hay VinFast hay VNG có thể thành công, có thể thất bại, nhưng họ đã chứng minh rằng, DN, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có đủ tầm và đủ khả năng để ra biển lớn. Và để có thêm những DN mới của Việt Nam ra biển lớn, cộng đồng DN và doanh nhân Việt cần trang bị hành trang cho mình ngay từ bây giờ, không chỉ hoàn thiện sản phẩm cốt lõi đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới mà còn củng cố và chuẩn hóa văn hóa DN, nâng cao tư duy pháp lý và tuân thủ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ quản trị ngang với các tiêu chuẩn quốc tế. Và quan trọng nữa là trang bị, củng cố một tâm thế tự tin của người ra biển lớn, mang nguồn lực tài chính về cho chính DN, mang thịnh vượng và vinh quang cho Tổ quốc.