Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nhân và đạo đức kinh doanh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, bên cạnh những đóng góp giá trị kinh tế cho đất nước, đạo đức doanh nhân là tiêu chí được đưa lên hàng đầu trong bình xét.

Ngày 13/10, 60 doanh nhân tiêu biểu Việt Nam đã được vinh danh. Các DN của các doanh nhân này đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam với doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 148.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70.000 tỷ đồng và số lao động trên 251.000 người.

Năm nay, bên cạnh những đóng góp giá trị kinh tế cho đất nước, đạo đức doanh nhân là tiêu chí được đưa lên hàng đầu trong bình xét.

Cụ thể, các ứng viên phải là đại diện tiêu biểu xét theo 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Theo nhiều DN, đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng là giá trị cốt lõi để DN xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng đạo đức và văn hóa DN vững chắc.

Sau 2 năm Covid-19, đội ngũ doanh nhân đang từng ngày nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp xã hội. Những cống hiến này của các doanh nhân đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức ghi nhận, vinh danh.

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn. Trong nước, thách thức đan xen nhưng khó khăn do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu. Đồng thời, việc xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nhà đầu tư.

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, những kinh nghiệm đã tích lũy được, cùng sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam sẽ làm được, sẽ chiến thắng.

Có thể thấy, chặng đường phía trước còn dài, sứ mệnh của doanh nhân là rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc. Vì thế, việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân đạo đức, văn hóa là mục tiêu hàng đầu được đặt ra.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa cũng soi đường doanh nhân tiến lên. Không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì không có phát triển bền vững, và doanh nhân, DN dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất” - đại diện VCCI đã nói.

Thời gian qua, đã có những DN trục lợi, rất nhiều trường hợp đã vượt quá quy định pháp luật cho phép, lâm vào vòng lao lý. Bởi vậy, việc đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật một cách nghiêm túc, hết sức gương mẫu để thực hiện công bằng, minh bạch, liêm chính cũng là cách tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, văn minh trong thế giới doanh nhân. Có như vậy thì mỗi doanh nhân sẽ là một tấm gương sáng, một câu chuyện hay về tinh thần lập nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm xã hội.