Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế mới 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 16/10. Đồng thời tại sự kiện, cũng vinh danh tập thể, cá nhân xuất sắc, đạt thương hiệu mạnh Việt Nam 2024.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả cho rằng, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, hướng tới net-zero là xu thế gắn kết tất yếu của thời đại mới. Đây là cơ hội để các quốc gia, các nền kinh tế tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực, thúc đẩy đạt được các mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
Do đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục là công cụ, phương tiện thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, tuần hoàn và bền vững, là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Theo TS Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Do đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải hết sức chủ động thích ứng, bắt nhịp để phát huy hiệu quả tính đột phá của cuộc cách mạng này, nhằm giải quyết các bài toán quốc gia về tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong Nghị quyết số 55 về định hướng phát triển năng lượng nêu rõ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng... Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong, trong đó có thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khó khăn vướng mắc, phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng.
Tại kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra dự án Luật Công nghiệp, Công nghệ số, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong năm 2025, dự kiến Quốc hội sẽ xem Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đề nghị của Chính phủ.
Do nhiều yếu tố chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19, chiến tranh, cạnh tranh địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức chung.
Bao gồm, chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, net zero trong phát triển năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, Cơ chế chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), luật thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo dòng chảy thông tin, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…
Bên cạnh đó, các khó khăn cụ thể như nguồn vốn, tài chính xanh, nhân sự có chuyên môn và lộ trình, cách thức tiến hành, thói quen kinh doanh, công nghệ và các giải pháp kỹ thuật cụ thể…
"Sứ mệnh của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng không chỉ là của những người làm khoa học công nghệ, năng lượng và môi trường, nhà hoạch định chính sách mà của tất cả các chủ thể. Trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của các doanh nhân và doanh nghiệp" - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh. Đồng thời, doanh nghiệp đặc biệt chú ý 3 tiêu chuẩn là môi trường, xã hội và quản trị khi thực hiện.