Doanh thu nhiên liệu hóa thạch của Nga tăng gấp đôi kể từ xung đột

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga đã tăng gần gấp đôi doanh thu từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch cho các nước Liên minh châu Âu (EU) trong 2 tháng xung đột ở Ukraine, với Đức là nhà nhập khẩu lớn nhất.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Nga bỏ túi khoảng 62 tỷ euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng kể từ cuộc xung đột với Ukraine.

Hai tháng qua, EU nhập khẩu 44 tỷ euro nhiên liệu hóa thạch từ Nga, tổng nhập khẩu cả năm là 140 tỷ euro, tương đương 12 tỷ euro/tháng. Nga vẫn tiếp tục hưởng lợi từ sự khan hiếm nguồn cung năng lượng của châu Âu, bất chấp các lệnh cấm vận từ EU.

Mặc dù xuất khẩu từ Nga đã giảm do xung đột và các lệnh trừng phạt, nhưng việc Moscow chiếm ưu thế về nguồn cung cấp khí đốt lại đồng nghĩa với việc trừng phạt chỉ làm tăng giá nhiên liệu vốn đã cao do nguồn cung thắt chặt, các nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Doanh thu từ dầu và khí đốt xuất khẩu chảy trực tiếp vào quỹ của chính phủ Nga do các công ty này đều do nhà nước chi phối, điều chỉnh giá cả. Moscow đã tăng giá dầu và khí đốt ngay cả khi các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu do EU đưa ra có hiệu lực. Có thể thấy, Nga đã đưa EU vào bẫy, EU càng hạn chế xuất khẩu, giá cả càng tăng, doanh thu của EU càng giảm.

Nga nhận được khoảng 62 tỷ euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng vừa qua, Đức là nhà khách hàng lớn nhất. Ảnh: AP
Nga nhận được khoảng 62 tỷ euro từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong hai tháng vừa qua, Đức là nhà khách hàng lớn nhất. Ảnh: AP

Nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) – ông Lauri Myllyvirta cho biết khoản tiền thu từ bán nhiên liệu hóa thạch cho các nước châu Âu chính là quỹ để Nga duy trì cuộc xung đột ở Ukraine, và cách duy nhất để vô hiệu hóa quỹ này là các nước trong EU phải nhanh chóng rời xa nhiên liệu hóa thạch.

Đức là khách hàng lớn nhất của Nga trong hai tháng qua mặc dù chính phủ nước này nhiều lần tuyên bố rằng việc hạn chế phụ thuộc vào dầu của Nga là ưu tiên hàng đầu. Đức đã trả khoảng 9 tỷ euro để mua nhiên liệu từ Nga trong hai tháng này. Tiếp theo là Ý và Hà Lan với lần lượt 6,8 tỷ euro và 5,6 tỷ euro tiền nhập khẩu nhiên liệu từ Nga.

Theo dữ liệu của CREA, nhiều công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục thực hiện giao dịch thương mại khối lượng lớn với Nga, bao gồm BP, Shell và ExxonMobil. Nga đã chính thức cắt nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần