Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối đầu khí đốt: Đòn giáng mạnh cho cả Moscow và EU

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Tổng thống Nga Vladimi Putin đang đẩy châu Âu vào thế khó và có nguy cơ bị cắt năng lượng, song Nga cũng gánh thiệt hại về kinh tế.

Châu Âu vẫn chưa hết nguy cơ bị cắt khí đốt Nga. Ảnh: RT
Châu Âu vẫn chưa hết nguy cơ bị cắt khí đốt Nga. Ảnh: RT

Nhà phân tích Dmitry Polevoy của công ty môi giới Locko-Invest có trụ sở tại Moscow, nhận định: "Việc các nước châu Âu từ chối thanh toán hợp đồng khí đốt theo sắc lệnh của Tổng thống Putin có nguy cơ khiến Moscow cắt nguồn cung cho khu vực này. Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom cũng sẽ chịu thiệt hại lớn về kinh tế”.

Sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 31/3 quy định nếu khách hàng từ các quốc gia mà Nga coi là "không thân thiện" không thanh toán bằng đồng rúp từ 1/4, họ sẽ không còn được cung cấp khí đốt.

Nguy cơ Nga "khóa van" khí đốt tới châu Âu

Reuters cho biết dòng chảy khí đốt từ Nga tới châu Âu trong ngày 1/4 vẫn tiếp tục chảy về phía Tây trên 3 đường ống chính bất chấp việc các nước châu Âu bác bỏ tối hậu thư thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Tuy nhiên rủi ro gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đang gia tăng khiến người dân châu Âu hết sức lo ngại.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2/4 cho biết, các khoản thanh toán cho khí đốt được giao từ ngày 1/4 sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Đó là lý do tại sao Nga chưa ngay lập tức đóng dòng khí đốt đến châu Âu. Trước đó Nga tuyên bố các hợp đồng chuyển giao khí đốt cho các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị đình chỉ nếu các nước không thanh toán bằng đồng rúp.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Mặc dù nguy cơ gián đoạn nguồn cung xuất hiện sau mùa cao điểm mùa đông, nhưng nó vẫn có thể khiến thị trường năng lượng tại châu Âu tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp và hộ gia đình đã quay cuồng với giá năng lượng cao kỷ lục

Nga đã xuất khẩu khoảng 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt sang châu Âu trong năm 2021, chiếm 1/3 nguồn cung cấp khí đốt tại châu lục này. Nguồn cung này quan trọng đến mức EU từ chối áp đặt lệnh cấm ngay lập tức với năng lượng Nga, do lo ngại tác động quá lớn đến nền kinh tế và nguy cơ sụp đổ chuỗi sản xuất, cung ứng.

Trong kịch bản EU vẫn kiên quyết duy trì quan điểm của mình và Nga thực hiện sắc lệnh của Tổng thống Putin vào cuối tháng 4, châu Âu có nguy cơ mất hơn 1/3 nguồn cung khí đốt. Đức và Áo, hai quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga, trong tuần qua đã kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp.

Chuyên gia năng lượng Kateryna Filippenko tại Wood cảnh báo: “Khí đốt trong kho chứa ở châu Âu có thể đủ cho mùa xuân và mùa hè mà không cần cắt giảm nhu cầu, nhưng châu Âu sẽ có nguy cơ bước vào mùa đông tới với chỉ khoảng 10% lượng khí trong kho vào cuối tháng 10 nếu không có một số biện pháp tiết kiệm năng lượng”.

Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh với châu Á để có thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar hoặc Mỹ. Tuần trước, chính phủ Mỹ cam kết sẽ cung cấp 15 tỷ m3 khí LNG cho EU trong năm nay, nhưng sản lượng khí LNG của Washington không thể bù đắp nguồn cung khí đốt từ Nga.

Ngoài việc tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt khác trên thế giới, một số quốc gia châu Âu nói rằng họ sẽ phải đẩy mạnh việc sử dụng than đá cho sản xuất điện, kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân và tăng sản lượng năng lượng tái tạo.

Nga cũng mất nguồn thu ngoại tệ quan trọng

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đang rất cần nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng, vì vậy quyết định hạn chế nguồn xuất khẩu khí đốt sẽ tác động lớn đến nước này.

Các nhà phân tích tại SEB Research cho biết: “Đối với Nga, quyết định hạn chế nguồn cung khí đốt giống như tự bắn vào chân mình. Nếu cơ chế thanh toán mới của Moscow nhằm đẩy đồng rúp tăng giá, tôi cho rằng giải pháp này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.

Reuters cho biết, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom sẽ rơi vào tình trạng không có ngoại tệ mạnh để thanh toán những khoản nợ nước ngoài hay tự mua trang thiết bị phục vụ quá trính sản xuất khí đốt. Gazprom trong hơn một tháng qua cũng đã bán 80% ngoại tệ họ dự trữ cho Ngân hàng Trung ương Nga, trong loạt biện pháp ứng phó khẩn cấp của Moscow sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Các nhà phân tích tại Fitch Solutions nhận định: “Việc cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ khiến Nga mất nguồn ngoại tệ vô cùng quan trọng vào thời điểm mà các lệnh trừng phạt đã hạn chế hàng loạt quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung ương Nga đối với nguồn dự trữ ngoại hối”.

Theo dữ liệu mới nhất, trong chín tháng đầu năm 2021, tập đoàn Gazprom đã xuất khẩu tổng cộng 176 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc với tổng doanh thu là 2,5 nghìn tỷ rúp (tương đương 31 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Nga không thể nhanh chóng chuyển hướng đường ống tới các khách hàng khác cũng như không thể đóng mỏ khai thác, nên nếu khí đốt tới châu Âu bị chặn, năng lực dự trữ của Nga sẽ nhanh chóng bị quá tải.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko hồi tuần trước cho biết Moscow có thể chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường châu Á. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các thị trường châu Á chưa chắc muốn nhập khẩu thêm khí đốt ngay trong thời điểm hiện tại. "Nga khó có thể ngay lập tức trở thành nhà cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Á” - các nhà phân tích của SEB Research cho biết.