Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu bền vững

Kinhtedothi – Công tác xúc tiến thương mại đang được triển khai theo hướng đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, khai thác các thị trường mới, tiềm năng.

Đa dạng hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước

Trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các ngành hàng, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ của hệ thống thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới thực hiện đa dạng các hoạt động, từ cung cấp thông tin đến kết nối với những nhà nhập khẩu tiềm năng mới. Trong đó, đáng kể nhất là triển khai hoạt động xúc tiến ở những thị trường mới và tiềm năng như: Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi và thị trường Nam Á.

Lễ hội trái cây với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2024. Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến, với nhiệm vụ đầu mối triển khai Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, trong những năm qua, Cục đã tập trung tổ chức cho DN tham gia các hội chợ quốc tế lớn; phối hợp với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổng hợp trước nhu cầu của thị trường sở tại và tổ chức đoàn DN sang kết nối giao thương.

Trong năm 2024 đã hỗ trợ cho trên 6.000 lượt DN tham gia các hoạt động kết nối giao thương tại thị trường nước ngoài, trong đó tập trung vào tiêu chí “người thật - hàng thật - kết nối thật”. Theo đó, đã có nhiều biên bản ghi nhớ giá trị hàng chục triệu USD được ký kết. Cục cũng ký biên bản ghi nhớ với các nền tảng thương mại xuyên biên giới lớn nhằm tổ chức quảng bá sản phẩm Việt Nam trên Amazon và Alibaba.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Năm 2025, các hoạt động xúc tiến thương mại chú trọng vào các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cục sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến

Liên quan đến những hoạt động xuất khẩu tại chỗ, trong những năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các địa phương ở 6 vùng kinh tế tổ chức chuỗi hội nghị xúc tiến và thúc đẩy xuất nhập khẩu, tạo nền tảng để giúp các địa phương kết nối trực tiếp với tổ chức, cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đặc biệt, các DN nước ngoài có cơ hội trực tiếp khảo sát và kết nối giao thương với DN tại 6 vùng kinh tế lớn của Việt Nam.

Ngoài ra, Cục cũng tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài xét thương hiệu quốc gia định kỳ 2 năm một lần; thực hiện bản tin xuất khẩu những hoạt động này cũng giúp DN có cơ hội tiếp xúc với nguồn thông tin, tìm cơ hội thị trường.

Cung ứng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường

Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ DN đa dạng hoá thị trường, Cục Xúc tiến thương mại nhận thấy, công tác phát triển thị trường về phía DN còn gặp khó khăn. Theo báo cáo đánh giá của Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến thương mại và đầu tư (Cục Xúc tiến thương mại), hiện đa phần DN xuất khẩu những mặt hàng giá trị gia tăng thấp, biên lợi nhuận mỏng khiến không đủ nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ cho công tác xúc tiến xuất khẩu.

Các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị AEON của Malaysia trong khuôn khổ “Hội chợ hàng Việt/Tuần lễ hàng Việt Nam tại Malaysia năm 2025”, diễn ra từ ngày 2 -14/5. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Malaysia

Hơn nữa, nhiều DN nhỏ và vừa còn hạn chế trong tư duy phân tích thị trường, cùng đó là thiếu thông tin, thiếu nhân sự có kinh nghiệm thương mại quốc tế. Đáng nói, không ít DN chưa hiểu rõ quy tắc xuất xứ hay chuyển đổi mã HS… trong xuất khẩu hàng hóa để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại bằng việc phát huy vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương là rất quan trọng. Đặc biệt, cần sư quan tâm chỉ đạo của của các lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành khi tham gia diễn đàn DN, kết nối đầu tư, thương mại…

Đối với DN, cần xác định tâm thế sẵn sàng cung ứng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Theo đó, DN cần thay đổi sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, cùng đó xây dựng kế hoạch kinh phí, nhân lực, định hướng thị trường một cách rõ ràng để đề nghị Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên sâu.

Ông Hoàng Minh Chiến khuyến nghị, vấn đề hàng đầu là các DN cần chủ động bám sát tình hình và liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng để cập nhật thông tin diễn biến thị trường. DN cũng cần tăng cường kết nối để gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Đặc biệt, DN quan tâm hơn nữa đến công tác đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, làm tốt khâu quản trị và phát triển thương hiệu. Cùng với đó là thường xuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo nhằm xuất khẩu các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường.

Chuyển sang cơ chế giá thị trường

Chuyển sang cơ chế giá thị trường

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ