Đổi mới toàn diện trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên, nhi đồng

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là một việc lớn, hệ trọng, lâu dài, cho hiện tại và cho cả tương lai”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Coi trọng việc giáo dục ý thức pháp luật
 Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cần được tiếp tục đổi mới cả về nhận thức và hành động, phương pháp và nội dung, quy mô và chiều sâu, số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công nội dung trên, cần có sự phối hợp, chia sẻ hiệu quả của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương và yêu cầu tất cả phải hành động.
Trên cơ sở đó, đầu tiên cần chú trọng tăng cường giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật. Coi trọng việc giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần tuân thủ, thực thi pháp luật và coi đây là khâu mang tính nền tảng, là xuất phát, chỗ dựa cho các triển khai giáo dục khác. Bởi, trong các quy phạm pháp luật đã hàm chứa các yếu tố của đạo đức, giá trị, văn hóa nhưng ở mức nền tảng; trên cơ sở đó bồi đắp các giá trị khác.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Coi việc giáo dục ý thức pháp luật là nền tảng
“Giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình liên tục xuyên suốt tất cả các cấp học và là một phần của giáo dục suốt đời. Tu dưỡng là một quá trình không giới hạn và đạo đức là một khoảng liên tục cần phải hoàn thiện không ngừng”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Tạo dựng các cá nhân sống có ý chí
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng trong thời đại ngày nay cần phải nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị. Chúng ta không chỉ thích ứng, đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn phải nhận thấy, vun đắp, kiến tạo các giá trị mới và những giá trị cũ đang được làm mới.
Những giá trị chân, thiện, mỹ của thời kỳ chuyển đổi số cũng không còn giống hoàn toàn với chân thiện mỹ của thời kỳ truyền thống. Đạo đức số, đạo đức mạng xã hội, lối sống số đạo đức của sự kết nối và chia sẻ là điều mà chúng ta cần phải nhận diện, tác động cho trúng và đúng.
Đạo đức mà chúng ta cần bàn phải gắn liền với thực tiễn. Các giá trị cần phải được cụ thể bằng hành vi, thấm nhuần trong hoạt động chứ không chỉ là trong các quy định.
Chúng ta cần phải sử dụng các phương tiện hiện đại để phục vụ cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Phải lấy việc khảo sát, đánh giá thực tiễn để làm căn cứ cho việc đổi mới học tập, giảng dạy các môn lý luận chính trị. Các nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị, dù ở các mức độ và tầm ảnh hưởng khác nhau nhưng phải hiệu quả và đổi mới là yêu cầu quan trọng.
 Ngành Giáo dục hướng đến phát triển những con người sống có ý chí, trách nhiệm tại các cấp học
Phải lấy việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người cá nhân với các định hướng giá trị tích cực để tạo dựng các cá nhân sống có ý chí, có chí hướng, có khát vọng lành mạnh, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, làm căn cứ tiền đề cho một thế hệ giàu khát vọng. Phương pháp phải đi từ cụ thể đến bao quát, từ nhỏ đến lớn, từ cá nhân đến cộng đồng.
“Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đặc biệt quan tâm và hướng đến phát triển những con người sống có ý chí, chí hướng, khát vọng, trách nhiệm tại tất cả các cấp học. Đây là tiền đề thực hiện quyết tâm quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là khơi gợi khát vọng dân tộc, trách nhiệm với đất nước. Sự nghiệp này không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ GD&ĐT mà sự kết nối, hợp tác, phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan có vai trò rất quan trọng”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Chú trọng quy tắc ứng xử trong trường học
Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học, hơn 2,1 triệu học sinh, hơn 159.000 cán bộ, giáo viên. Việc triển khai quy tắc ứng xử trong trường học được ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng. Các nhà trường đã quy định cụ thể những việc nên và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử; đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động giáo dục, thực hành, hành động vì cộng đồng, coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống; triển khai hiệu quả mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường…
Thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội tập trung thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần