Đối nội trước, đối ngoại sau

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Ấn Độ từ chối ký kết nghị định thư trước hạn định là ngày 31/7 vừa qua đã làm cho hiệp ước của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tạo thuận lợi cho thương mại thế giới không thể có hiệu lực.

Như thế cũng còn có nghĩa là 20 năm kể từ khi được thành lập, WTO vẫn chưa tiến triển thêm được bước nào trên con đường hướng tới mục tiêu tự do hóa mậu dịch trên bình diện toàn cầu. Tại hội nghị WTO hồi cuối năm ngoái ở Bali (Indonexia), việc đạt được sự nhất trí giữa 159 thành viên của WTO về hiệp ước này được coi không chỉ là bước tiến mang tính đột phá mà thậm chí còn cả là sự hồi sinh của chính WTO. Vì thế, việc làm này của Ấn Độ ảnh hưởng bất lợi trực tiếp đến cả thể diện lẫn uy danh và tương lai của WTO.

Không phải Ấn Độ không ý thức được sức nặng của những tác động đó. Nhưng trong khoảng thời gian từ thời điểm Ấn Độ chấp nhận thoả thuận đạt được ở hội nghị Bali đến nay, có sự thay đổi chính phủ ở nước này và chính phủ mới ở Ấn Độ muốn sửa đổi phần thỏa thuận ở Bali liên quan đến Ấn Độ.

Thực chất câu chuyện ở đây là chính phủ Ấn Độ bù trợ giá thu mua lương thực ở Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình đảm bảo an ninh lương thực ở nước này. Đối với WTO, bù trợ của Nhà nước là bảo hộ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay trá hình. Thoả thuận ở Bali đặt ra mục tiêu cho tới năm 2017 giải quyết vấn đề này của Ấn Độ theo hướng Ấn Độ phải từ bỏ chương trình ấy. Bây giờ, chính phủ mới ở Ấn Độ muốn giải quyết vấn đề này ngay và theo hướng vẫn duy trì chứ không từ bỏ nó.

Hiệp ước của WTO không có hiệu lực thì mọi phe phái và tập hợp lực lượng trong WTO đều thua thiệt. Ấn Độ cũng vậy. Nhưng rõ ràng là đối với chính phủ mới ở Ấn Độ, việc tranh thủ dân chúng còn quan trọng và cấp thiết hơn số phận của WTO, nhu cầu về ngắn hạn đáng kể hơn lợi ích lâu dài và đối nội trước, đối ngoại sau như thế thật ra vẫn là dùng đối ngoại phục vụ đối nội.