Tình hình Covid-19 tại châu Âu đang có chiều hướng diễn biến xấu, buộc các chính phủ phải cho triển khai những biện pháp mạnh tay hơn nhằm dập dịch trong khi cố gắng tránh lệnh phong tỏa.
Pháp vừa tái áp đặt lệnh giới nghiêm, trong khi một số nước châu Âu khác quyết định đóng cửa trường học, huy động sinh viên ngành y hỗ trợ giới chức đang quá tải do làn sóng Covid-19 tái bùng phát.
Nhiều nước châu Âu tái áp đặt lệnh giới nghiêm và siết chặt biện pháp hạn chế để ngăn đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai. |
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở châu Âu hiện đang chiếm khoảng 1/3 tổng số mắc trên toàn cầu. Với khoảng 100.000 trường hợp mắc Covid-19 mới mỗi ngày, châu Âu đã vượt qua Mỹ - nước ghi nhận hơn 51.000 ca mắc mỗi ngày. Đáng chú ý như Pháp ghi nhận thêm tới 22.591 ca mắc, Anh (19.724 ca), Nga (14.231 ca), Tây Ban Nha (11.970 ca), Cộng hòa Séc (9.543 ca).
Các quốc gia Italia, Đức, Hà Lan, Bỉ, Phần Lan cũng ghi nhận từ 6.000-7.000 ca mắc mới Covid-19 trong một ngày qua. Tỷ lệ người mắc virus SARS-CoV-2 tại Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha chiếm hơn một nửa số trường hợp nhiễm Covid-19 của châu Âu trong tuần tính đến ngày 11/10, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Tại Mỹ, quốc gia có số người nhiễm bệnh Covid-19 lớn nhất thế giới, ghi nhận số că mắc tăng mạnh ở 22 bang, tuy nhiên, số người tử vong đang có xu hướng giảm và ở mức 700 người/ngày trong tuần trước.
Đối phó với tình trạng làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, hôm 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng 4 tuần kể từ ngày 17/10 tại vùng thủ đô và 8 thành phố lớn.
Tình trạng y tế khẩn cấp cũng được thiết lập lại từ ngày 17/10. Tổng thống Macron khẳng định rằng tất cả các rạp hát, nhà hàng, quán bar sẽ phải đóng cửa lúc 21 giờ. Các cửa hàng dịch vụ sẽ vẫn được mở cửa. Mục tiêu của lệnh giới nghiêm nhằm giảm bớt những tiếp xúc không cần thiết song vẫn phải tiếp tục duy trì đời sống xã hội.
Cộng hòa Czech đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế mới ngăn dịch Covid-19, theo đó tất cả các nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ, phòng tập thể thao, vật lý trị liệu… phải đóng cửa đến ngày 3/11. Cũng theo quy định mới, tất cả các trường học tại Czech, ngoại trừ trường mẫu giáo, sẽ đóng cửa từ ngày 14 - 23/10.
Tại Nga, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết chính quyền thủ đô sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến cho học sinh lớp 6 đến lớp 11 trong 2 tuần kể từ ngày 19/10 nhằm khống chế dịch Covid-19.
Chính phủ Hà Lan cũng thực hiện lệnh phong tỏa hạn chế nhằm ngăn dịch Covid-19, đóng cửa các quán bar và nhà hàng sau 20 giờ, nhưng vẫn cho mở cửa trường học. Thủ tướng Mark Rutte thông báo, nước này sẽ thực hiện “phong tỏa một phần” nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19. Theo quy định mới, các cuộc hội họp trong nhà sẽ chỉ cho phép tối đa 30 người tham dự trong khi các cuộc tụ tập tại những điểm công cộng bị giới hạn không quá bốn người.
Tại Vương quốc Anh, chính quyền Bắc Ireland đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong bốn tuần trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh. Toàn bộ ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa, ngoại trừ các doanh nghiệp bán thực phẩm mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng.
Chính phủ Hà Lan cũng thực hiện lệnh phong tỏa hạn chế nhằm ngăn dịch Covid-19, đóng cửa các quán bar và nhà hàng sau 20 giờ. |
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, ông chưa có chủ trương triển khai lệnh phong tỏa toàn diện ở xứ England bất chấp lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập.
Tại Tây Ban Nha, vùng Catalonia đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 15 ngày kể từ ngày 15/10, hạn chế mở lại cửa hàng và công viên để khống chế dịch. Các nhà hàng sẽ chỉ được phép bán đồ ăn mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng.
Ngày 15/10, tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các bộ trưởng và thủ hiến các bang đã thảo luận và đưa ra các quyết sách ứng phó trước sự lây lan theo cấp số nhân của dịc Covid-19 trong những ngày gần đây. Các quy định chặt chẽ hơn đã được Chính phủ quyết định như lệnh giới nghiêm, yêu cầu đeo khẩu trang mở rộng và giới hạn số lượng người tham gia lễ kỷ niệm
Tại Bỉ, nước có tỷ lệ nhiễm Covid-19 tính theo đầu người cao thứ hai ở châu Âu, các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải khi phải dành khoảng 1/4 tổng số giường cho bệnh nhân Covid-19. "Chúng tôi đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng kỷ lục” - Renaud Mazy, giám đốc điều hành của Đại học Saint-Luc ở Brussels, nói với đài La Premiere./.