Đổi thay ở vùng đất phía Tây Nam Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tiết Xuân đang rộn rã về trên khắp những nẻo đường, chúng tôi về vùng đất phía Tây Nam của Thủ đô, nơi cách đây hơn 5 năm vẫn thuộc địa phận của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Mảnh đất từng là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay, diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi khác, đời sống người dân đã ngày càng được cải thiện.

Hạ tầng được cải tạo

Tỉnh lộ 446 là tuyến đường huyết mạch đi qua địa phận các xã thuộc huyện Quốc Oai và Thạch Thất, những xã thuộc huyện Lương Sơn trước đây. Nơi này là vùng sâu, vùng xa trung tâm và tập trung phần lớn đồng bào dân tộc miền núi của 2 huyện sinh sống. Ông Bùi Hiền Lương - Trưởng thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai chia sẻ, trước đây, tỉnh lộ 446 nối liền 2 huyện rất khó đi, đặc biệt là khi trời mưa. Con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội, đi bộ còn trơn trượt, "ngã lên ngã xuống", chứ chưa nói gì tới di chuyển bằng các phương tiện khác. Thế nhưng mấy năm nay, được TP đầu tư, đường 446 đã được mở rộng, trải nhựa thẳng tắp. Những con đường nhánh tỏa về các thôn, xóm cũng được bê tông hóa, đi lại dễ hơn rất nhiều. Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Thạch Thất Quách Hữu Hiền vẫn nhớ như in hình ảnh 3 xã miền núi của huyện những ngày đầu mở rộng địa giới Thủ đô. Ngày ấy, khi đêm xuống, phần lớn các hộ dân nơi đây vẫn sử dụng đèn dầu để chiếu sáng. Những con đường dẫn đến các thôn: Luồng, Đồng Sở, Lặt, Hương, Hội… khi mưa thì ngập ngụa bùn đất, lúc nắng lại bụi cát mù mịt. Việc đi lại trên các tuyến đường cực khổ vô cùng. Tuy nhiên, ngay sau khi thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, về với Thủ đô, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền TP, mọi mặt cuộc sống nơi đây đã đổi thay nhanh chóng. Đặc biệt, từ năm 2010, được cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ thuộc Kế hoạch số 166 của UBND TP Hà Nội về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2011 - 2016", hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống điện - đường - trường - trạm. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thuộc địa bàn các xã ngày càng được hoàn thiện, là tiền đề để các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, qua đó có điều kiện tốt hơn chăm lo đời sống của người dân.
Nhà văn hóa thôn Hội, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất thuộc kế hoạch 166 đã hoàn thành.
Nhà văn hóa thôn Hội, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất thuộc kế hoạch 166 đã hoàn thành.
Nói về những đổi thay trong công tác giáo dục, cô Đinh Thị Thúy Hường - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non xã Yên Trung cho biết, trước đây, gia đình nào có trẻ đủ tuổi đến trường là phụ huynh lại lo nơm nớp! Lo vì đường tới trường cũng vô cùng khó khăn, cứ mưa là ngập bùn lầy… nhưng nay cảnh đó không còn nữa. Nhờ vậy, toàn xã có khoảng 256 cháu trong độ tuổi đến trường, trong đó, trẻ ở độ tuổi từ 4 - 5 đạt 100%, trẻ 3 tuổi đạt trên 85%". Hầu hết các trường đều được đầu tư xây phòng học kiên cố, không còn cảnh học tạm, học nhờ…

Ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng thôn Hội, xã Yên Trung cho biết, trước đây, nhà văn hóa thôn là căn nhà cấp bốn 3 gian thậm chí nhiều thôn khác còn phải kéo nhau đến nhà... trưởng thôn để họp! Đến nay, nhà văn hóa thôn Hội cùng rất nhiều nhà văn hóa tại các địa phương khác đã được xây dựng khang trang, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên cho người dân.  

Kinh tế phát triển

Cơ sở hạ tầng thuận lợi đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương thuộc khu vực miền núi của Thủ đô. Một trong những xã còn nhiều khó khăn là xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Để phù hợp với địa thế và ưu thế vùng đất đồi, gò, bên cạnh sự hỗ trợ của huyện, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho hay, trên địa bàn xã Yên Bình hiện có hơn 30 trang trại, vườn trại lớn - nhỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, khoảng 40 gia đình tham gia mô hình trồng hoa chất lượng cao cho thu nhập trên 800 triệu đồng/ha. Nhờ sáng tạo và mạnh dạn phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều gia đình đã có "của ăn, của để", con cái được học hành đầy đủ. Đặc biệt, các mô hình kinh tế này đã tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân sống trên địa bàn.
Giờ học của cô và trò trường Mầm non xã Đông Xuân.
Giờ học của cô và trò trường Mầm non xã Đông Xuân.
Một địa phương khác là xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), những năm qua, kinh tế cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Nguyễn Xuân Hòa cho biết, năm 2014, tổng giá trị kinh tế trên địa bàn xã vượt so với kế hoạch đề ra. Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất được quan tâm. Tỷ trọng sản xuất lúa giảm qua từng năm, diện tích rau màu, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản liên tục tăng, hiện đạt xấp xỉ 300ha; tiếp tục duy trì và phát triển ổn định 2 trang trại tổng hợp, 5 trại nuôi gà trên địa bàn. Phát triển mô hình chăn nuôi phù hợp với khả năng quản lý và nguồn lực của nông dân. Đặc biệt, công tác bảo vệ và phát triển kinh tế rừng của Đông Xuân luôn được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Năm qua, Nhân dân trên địa bàn xã đã trồng mới và trồng lại được trên 50ha rừng, bằng 500% so với năm trước. Ước tính năm 2014, toàn xã khai thác rừng đến kỳ thu hoạch và sản phẩm phụ từ lâm nghiệp đạt 2.875 tỷ đồng. Xã Đông Xuân trở thành một trong những địa phương khai thác kinh tế rừng hiệu quả nhất trong nhóm các xã thuộc khu vực miền núi của Thủ đô.   

Cùng với 2 xã Yên Bình và Đông Xuân, xã Yên Trung (Thạch Thất) cũng là địa phương thuộc khu vực miền núi của Thủ đô làm khá tốt công tác xây dựng nông thôn mới. Tổng giá trị sản xuất năm 2014 của xã ước đạt 111% so với năm 2013. Kinh tế xã đã chuyển dịch dần từ cây lúa sang các cây trồng khác phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng như ngô, sắn… Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, đến nay, xã Yên Trung đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí, chỉ còn tiêu chí chợ nông thôn là chưa đạt. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2014 giảm chỉ còn 2,37%, là xã có tỷ lệ giảm nghèo thuộc nhóm cao nhất của Thủ đô.       

Những điều trăn trở

Dù đã có những đổi thay tích cực, tuy nhiên, cuộc sống của người dân các xã khu vực miền núi của 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất nói riêng, khu vực miền núi của Thủ đô nói chung vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, cơ sở hạ tầng, kinh tế, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo... vẫn là bài toán không dễ tìm lời giải đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Ông Bùi Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) cho biết, hạ tầng giao thông, thủy lợi hiện đang là khó khăn lớn của địa phương. Cụ thể, đường trục xã Phú Mãn nối từ đường Hồ Chí Minh qua xã kết nối với xã Đông Xuân đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được tu sửa, nâng cấp. Tình trạng này xảy ra đã lâu, gây ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân, cũng như làm chậm sự phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ ở Phú Mãn, nhiều tuyến đường dẫn vào các thôn, xóm, nhất là các tuyến đường đi sâu vào phía rừng, giáp ranh địa phận tỉnh Hòa Bình, đường sá hiện vẫn rất xấu, khó đi. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết thêm, hàng năm, xã nhận được nhiều hỗ trợ từ các cấp chính quyền từ TP, huyện. Đặc biệt là nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới và Kế hoạch số 166, phục vụ đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách TP khó khăn, nguồn vốn này rất hạn chế, trong khi việc huy động nguồn vốn trong Nhân dân là việc làm không dễ. Thiếu vốn, nhiều dự án hiện dang dở, chậm triển khai, ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Nói tới bài toán phát triển, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên trăn trở, để thích nghi với đặc tính đất vùng gò, đồi, những năm qua, người dân một số xã như Hòa Thạch, Đông Xuân… đã tập trung phát triển cây riềng và atiso. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này khá bấp bênh. Nếu như các năm 2011 - 2012, cây riềng mang lại thu nhập rất khá, người dân đổ xô trồng loại cây này, thì đến năm 2013, cây riềng thất bát tệ hại. Người dân lại quay sang trồng atiso. Năm trước cho thu nhập khá, nhưng trước viễn cảnh thị trường nông sản biến động hiện nay, chưa biết cây atiso sẽ… "đi đâu, về đâu"(!?).

Có một thực tế tại các xã khu vực miền núi của Thủ đô là tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đặc biệt là nguy cơ tái nghèo luôn hiển hiện. Thu nhập bình quân của người dân các xã vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm. Trước rất nhiều khó khăn hiện nay, các xã thuộc khu vực miền núi của Thủ đô rất cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của các cấp chính quyền TP. Điều quan trọng trước tiên là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, từ đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần