Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi thay trên quê hương “Người mẹ cầm súng”

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ một vùng đất nghèo của tỉnh Trà Vinh, nay xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) quê hương của “Người mẹ cầm súng” đã thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Trong không khí kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chúng tôi trở lại thăm xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) - quê hương của nữ anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Út mà người dân quen gọi với cái tên thân thương chị Út Tịch.

Di ảnh nữ anh hùng Nguyễn Thị Út.
Di ảnh nữ anh hùng Nguyễn Thị Út.

Nhớ ơn người nữ anh hùng

Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út, sinh ngày 19/4/1931 tại ấp Ngãi Nhất, xã Tam Ngãi nổi tiếng với câu nói bất hủ "Còn cái lai quần cũng đánh! - nhân vật được khắc họa trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi. "Út Tịch" là tên ghép của chị và chồng - Lâm Văn Tịch, người Khmer. Trong một trận máy bay B52 của Mỹ công kích vào tháng 11/1968, chị đã hy sinh cùng người con gái thứ ba.

Nhằm thể hiện lòng biết ơn với người nữ anh hùng đã ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc, năm 2015, UBND tỉnh Trà Vinh khánh thành công trình Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi trên diện tích 1,4 ha, kinh phí 36 tỉ đồng. 

Du khách dâng hương tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út. Ảnh: Trần Sâm
Du khách dâng hương tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út. Ảnh: Trần Sâm

Khu tưởng niệm Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út gồm các hạng mục như: Cổng tam quan, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội thảo - chiếu phim, nhà quản lý, nhà dừng chân và bán hàng lưu niệm...

Nổi bật trong khuôn viên khu tưởng niệm là tượng Người mẹ cầm súng - Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út được đặt trang trọng giữa sảnh. Tượng “Người mẹ cầm súng” cao 06m (chất liệu bằng đồng), đặt trên bệ đá granit cao 1,5m được phác thảo qua “Bức chân dung Người mẹ cầm súng” thể hiện lời người mẹ dặn dò các con trước khi ra chiến trường.

Ông Trần Quốc Sâm (công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè), quản lý khu tưởng niệm, cho biết: Trung bình mỗi tháng, khu tưởng niệm đón 500-700 lượt khách, chủ yếu là các đoàn đến viếng và các hộ gia đình. Đặc biệt những dịp lễ như Ngày giải phóng miền Nam, Ngày Thương binh liệt sĩ, lượng khách đến thăm, viếng tăng lên rất nhiều.

"Mấy ngày nay, hôm nào chúng tôi cũng đón 5-6 đoàn khách đến thắp hương. Đến đây, khách sẽ được nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của chị Út Tịch và chiến công của các anh hùng - liệt sĩ vùng đất Cầu Kè trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc". ông Sâm nói.

Ông Trần Quốc Sâm thông tin thêm, Khu tưởng niệm chị Út Tịch là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các điểm đến trên địa bàn huyện Cầu Kè và nằm trong đề án phát triển du lịch của địa phương. Vừa qua, lãnh đạo địa phương đã đưa vào sử dụng khu trưng bày các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch.

“Thay da đổi thịt”

Tam Ngãi là mảnh đất đau thương, “bom gào đạn thét” trong hai cuộc chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nay đã chuyển mình thành mảnh đất xanh mướt cây trái suốt bốn mùa. Ngày nay, trở lại quê hương của chị Út Tịch, chúng tôi chứng kiến rất nhiều sự đổi thay rõ nét.

Khách tham quan chụp hình lưu niệm tại Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Út.
Khách tham quan chụp hình lưu niệm tại Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Út.

Ông Lê Duy Cường -  Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, cho biết: Những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân trong xã không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Cụ thể, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả; nhiều chương trình, chính sách lớn được đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh - quốc phòng được giữ vững ổn định. 

Trong riêng 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất của xã Tam Ngãi đạt 883,65 tỉ đồng. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 566,06 tỉ đồng, công nghiệp - xây dựng 47,96 tỉ đồng, dịch vụ ước 269,63 tỉ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 131,5 tỉ đồng.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chủ lực của Tam Ngãi là trồng các loại cây ăn trái như xoài, mít, dừa… với diện tích 1.456 ha. HTX nông nghiệp Tam Ngãi đang triển khai kế hoạch hỗ trợ xã viên trồng chuối Tá quạ. Đăng ký thực hiện quy trình công nhận sản phẩm VietGap cho sản phẩm Chuối Tá quạ với diện tích 04 ha, có 04 xã viên tham gia. Đồng thời, sản phẩm này được công nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao, nâng tổng số trên địa bàn xã có 02 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. 

Bên cạnh đó, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được giữ vững tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay toàn xã có 370 cơ sở, các cơ sở đã tạo việc làm cho 740 lao động. Phát triển mới 14 cơ sở thương mại dịch vụ, nâng tổng số đến nay có 682 cơ sở, giải quyết việc làm cho 1.943 lao động...

Đường từ trung tâm huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh về đến khu tưởng niệm khoảng 5km nay đã được mở rộng rất khang trang. Đặc biệt, từ khi Đường huyện 32 được tráng nhựa và mở rộng, giúp giao thông thuận lợi, cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt. 

Bà Nguyễn Thị Ức (ngụ tại xã Tam Ngãi) chia sẻ, trước đây gia đình bà trồng 4 công cam sành. Tuy nhiên thời gian qua, cam sành mất giá, gia đình chuyển sang trồng dừa sáp. Khi đường được mở rộng, bà đã mở một tiệm tạp hóa ven đường, giúp cuộc sống của gia đình trở nên khá giả.

"Đường sá thuận lợi, giờ chủ vựa đi xe tải vô tận vườn thu mua nông sản. Việc buôn bán của gia đình tôi cũng thuận lợi hơn trước khi có nhiều đoàn khách du lịch đến địa phương thăm Khu tưởng niệm; nhờ vậy, thu nhập gia đình tôi ngày càng ổn định và có dư dả", bà Nguyễn Thị Ức phấn khởi nói.