Kinhtedothi - Đa số các doanh nghiệp (DN) tham dự cuộc Đối thoại về chính sách thuế và hải quan do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức sáng 30/10 đều ghi nhận: Quá trình cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế - hải quan đã có những cải tiến, tuy nhiên vẫn có hồ sơ, thủ tục rườm rà và cần có lộ trình cải cách cụ thể để giảm bớt khó khăn cho DN.
Thủ tục thuế chưa hỗ trợ nhiều cho DN
Trực tiếp tiếp nhận các ý kiến thắc mắc của DN về thủ tục thuế, ông Hoàng Quang Phòng - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo VCCI cho rằng, Nhà nước nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các DN có doanh thu hàng năm dưới 20 tỷ đồng thay vì áp dụng cho các DN nhỏ như hiện nay. Điều này là cần thiết vì các DN cần hỗ trợ là các DN có khó khăn về tài chính chứ không phải các DN có số lượng lao động ít. Cơ quan thuế khi xác định các khoản phải thu với DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần có sự tính toán và phân chia rõ ràng, minh bạch cho từng loại. Về hoàn thuế, đại diện VCCI cho rằng, cơ quan thuế cũng nên phân loại cho các DN. DN nào có truyền thống thực hiện tốt, không mắc vi phạm về thuế thì cần tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra và xét hoàn thuế.
Hiện vẫn còn tình trạng "tiền hậu bất nhất" trong giải quyết vướng mắc về thuế TNDN. Bà Hoàng Thị Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cung ứng lao động thương mại Hải Phòng cho biết, ngay sau cổ phần hóa tháng 3/2013, công ty được Cục Thuế Hải Phòng hướng dẫn làm đơn đăng ký miễn giảm thuế thu nhập DN theo Nghị định 64/NĐ - CP, nhưng đến tháng 11/2011, Cục thuế Hải Phòng lại có biên bản và quyết định không cho công ty được ưu đãi miễn giảm thuế, yêu cầu truy thu và phạt DN. "Chúng tôi đã có.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, sẽ trực tiếp nghe và trả lời văn bản với trường hợp của DN. Đồng thời, Thứ trưởng cũng phê bình nghiêm khắc Cục Thuế Hải Phòng đã không thực hiện đúng quan điểm của Bộ Tài chính.
“Dễ thở” hơn với thủ tục hải quan
Theo Báo cáo tổng hợp về tình hình và các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của ngành thuế và hải quan của VCCI, trung bình 60% DN tham gia khảo sát cho rằng, các quy định pháp luật về hải quan "dễ thực hiện". Có 37% DN cho rằng "tương đối khó thực hiện". Số DN cảm thấy "khó thực hiện" chỉ chiếm chưa đầy 2,4%.
Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, thực tế khảo sát cho thấy: 69% DN thực hiện thủ tục hải quan truyền thống vẫn mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan. Tỷ lệ này đối với hải quan điện tử là 39%. Về thủ tục thông quan, việc ứng dụng CNTT vào quá trình thông quan hàng hóa giúp DN tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với thủ tục thông quan thông thường.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex), các quy định kê khai thuế hải quan vẫn cần minh bạch hơn, cụ thể hóa hơn để các cơ sở hải quan áp dụng thực hiện kê khai cho đúng.
Lắng nghe góp ý của DN, đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp thu để cải tiến hơn nữa quy trình, thủ tục nghiệp vụ hải quan; tăng cường đào tạo chuyên môn cho cán bộ Hải quan; nâng cấp hạ tầng CNTT và máy móc, trang thiết bị của ngành, qua đó phục vụ người dân và DN tốt hơn.
"Vừa qua, Hanaka đã mua lại toàn bộ một DN ở Đồng Nai. DN này đăng ký 88 tỷ đồng vốn kinh doanh, sau đó tăng vốn điều lệ lên mức 168 tỷ đồng. Nhưng quá trình sản xuất kinh doanh, DN lỗ hơn 200 tỷ đồng. Hanaka đã mua toàn bộ DN này, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho công nhân, đóng thuế cho địa phương. Tuy nhiên, Cục Thuế Đồng Nai vẫn áp thuế thu nhập DN đối với DN mua lại. Việc DN thua lỗ nặng mà không cho phá sản, vẫn áp dụng thuế thu nhập DN là điều phải nên xem xét lại" Ông Mẫn Ngọc Anh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hanaka |