Phía Ba Lan làm động thái này ngay trước khi Bộ trưởng ngoại giao Đức Annalena Baerbock công du Ba Lan lần đầu tiên.
Việc bà Baerbock khi đến Ba Lan bác bỏ ngay yêu cầu đề nghị này của Ba Lan không khiến phía Ba Lan bất ngờ bởi quan điểm nhất quán xưa nay của phía Đức là chuyện bồi thường vật chất này đã được xử lý dứt điểm và ổn thỏa trong quá khứ.
Phía Ba Lan không phải không biết điều đó và cũng thừa hiểu rằng phía Đức không nói suông mà dựa vào các thỏa thuận pháp lý quốc tế song phương cũng như đa phương liên quan đã được ký kết trong quá khứ. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan bây giờ vẫn nêu đòi hỏi nhà nước Đức bồi thường 1.320 tỷ Euro đơn giản bởi nếu không thành công thì cũng thành danh và bởi chơi quả tù mù này nếu không được gì thì vẫn có hiệu ứng thiết thực rất cao về đối nội.
Trong số các thành viên EU và NATO hiện tại có Hy Lạp cũng theo đuổi chủ ý tương tự như Ba Lan, cho dù vấn đề bồi thường cũng đã được xử lý về pháp lý quốc tế như vấn đề bồi thường đối với Ba Lan. Ba Lan vừa được Hy Lạp khích lệ và vừa khích lệ Hy Lạp tiếp tục việc này.
Một khi buộc được Đức đàm phán lại thì chắc chắn Ba Lan sẽ hành động tương tự với Nga. Gây chuyện với Đức như thế cũng còn là một cách được Ba Lan thực hiện để giảm uy tín và ảnh hưởng của Đức trong EU và NATO. Tất cả những điều này hiện có giá trị vô cùng to lớn về đối nội cho Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) đang cầm quyền ở Ba Lan. Lợi cho Ba Lan bao nhiêu thì lại hại cho sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ EU và NATO bấy nhiêu bởi EU và NATO sao có thể mạnh khi nội bộ lục đục như vậy.