Tuy mới chỉ diễn ra được 2 lần nhưng Hội nghị đã nhanh chóng trở thành cầu nối giữa Trung Quốc với một phần của châu Âu và tạo động lực cho quan hệ song phương giữa Bắc Kinh với từng quốc gia riêng lẻ. Và đúng như chủ đề của Hội nghị lần này "Động cơ mới, sức mạnh mới, nền tảng mới", Trung Quốc đang thể hiện cho thế giới thấy quyết tâm trong việc biến tiềm năng hợp tác với khu vực Trung - Đông Âu thành nguồn lực tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế và tạo nền tảng cho chủ trương gia tăng sự hiện diện tại khu vực. Con số 200 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Lý Khắc Cường trong lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước nằm ngoài Liên minh châu Âu phản ánh sự quan tâm của Bắc Kinh đối với các nền kinh tế "vùng trũng" của lục địa già. Bản thân các nước trong khu vực như Serbia, Ba Lan cũng không hề giấu diếm tham vọng mở rộng hợp tác với Trung Quốc, nhất là khi EU đang cạn kiệt nguồn lực để đầu tư cho các nước được coi là sân sau của Liên minh. Trong tình cảnh kinh tế toàn cầu đang trì trệ như hiện nay thì tầm ảnh hưởng luôn tỷ lệ thuận với dòng vốn đầu tư nên các quốc gia chủ chốt trong EU đã không giấu được sự sợ hãi trước nguồn tiền khổng lồ từ Trung Quốc tràn sang. Bản thân Pháp - nền kinh tế lớn thứ 2 của EU cũng đang phải đối mặt với vấn đề của riêng mình khi các tập đoàn hàng đầu lần lượt bị các công ty Trung Quốc thâu tóm hoặc trở thành đối tác chiến lược. Và vụ mua lại phân nửa sân bay Toulouse - biểu tượng của TP hàng không châu Âu này được dự báo sẽ không phải là vụ cuối cùng. Cách đây chưa đầy một tuần, thị trưởng Lyon cũng đã để ngỏ khả năng bán một phần sân bay của TP này cho Trung Quốc, trong khi các tập đoàn lớn khác vì thiếu vốn cũng đang phải cân nhắc tới khả năng tương tự.