KTĐT - Từ cuối tuần qua, đồng USD bắt đầu lấy lại giá trị sau nhiều tháng bị "thất thế". Ngày 31/1, giá trị một đồng USD đã lên đến 1,387 euro, mức cao nhất kể từ tháng 7/2009.
Phân tích những nguyên nhân khiến cho thị trường ngoại tệ biến động và đồng USD tăng giá thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng chính những vấn đề của Hy Lạp là yếu tố hàng đầu khiến cho đồng tiền chung châu Âu bị giảm giá và đồng USD lên giá.
Các chuyên gia cho rằng việc đồng USD lên giá và lấy lại quyền kiểm soát thị trường ngoại tệ, trước hết là do những rối loạn ở khu vực đồng Euro. Nói một cách chính xác hơn là trượt dốc của các tài khoản của chính phủ Hy Lạp, nền kinh tế được đánh giá là bên bờ vực khủng hoảng, đã không ngừng gieo rắc sự bối rối trong giới đầu tư. Hy Lạp đã phải chấp nhận để lãi suất trái phiếu nhà nước tăng vọt. Hôm 28/1, khoảng cách về lãi suất của Hy Lạp so với Đức đã tăng lên đến hơn 4%, điều chưa từng xảy ra kể từ khi đồng Euro ra đời (lãi suất 7,1% đối với các khoản vay của chính phủ Hy Lạp trong vòng 10 năm, so với 3,1% của các ngân hàng Đức trong cùng một kỳ hạn thanh toán). Lúc đầu, mọi sự có vẻ như xuôn xẻ. Ngay hôm đầu tiên phát hành trái phiếu (25/1), Hy Lạp đã vay được 8 tỷ Euro, gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Nhưng sau đó, không khí căng thẳng đã thắng thế, thêm vào đó là những tin đồn và sự cải chính, khiến thật giả lẫn lộn, gây hoang mang trong giới đầu tư. Hôm 27/1, tờ "Financial Times" cho biết Hy Lạp hình như đã yêu cầu Trung Quốc cho vay không dưới 25 tỷ Euro.
Việc chính phủ của Thủ tướng George Papandreou phủ nhận thông tin này không đủ để làm cho thị trường lắng xuống. Giờ đây lại có thêm các tin đồn về khả năng châu Âu hủy bỏ kế hoạch cứu trợ đối với Hy Lạp. Theo nhận xét của René Defossez, nhà nghiên cứu chiến lược của ngân hàng Natixis, "phản ứng của nhà đầu tư chắc chắn là có phần nào thái quá. Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng phần nào thể hiện một vấn đề sâu sắc hơn, đó là sự thiếu đồng nhất tại khu vực đồng Euro". Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới, ông Papandreou còn cho rằng sẽ là sai lầm nếu cứ quẩn quanh với những bi kịch của Hy Lạp. Một số hành động chỉ trích Hy Lạp về thực chất còn mang ý đồ khác rộng hơn, bởi vì sau Hy Lạp, cuộc khủng hoảng sẽ có thể lan sang cả Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha".
Liệu khu vực đồng Euro sẽ bị tan rã nếu khủng hoảng Hy Lạp lây lan ra các nước khác? Cùng với những tuyên bố mới đây của chuyên gia kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Cassandre Nouriel Roubini, nhiều người đang nghĩ đến khả năng này. Ông ta đã từng dự đoán: "Có thể liên minh tiền tệ này sẽ bị chia tách thành hai khu vực, bên trong là trung tâm vững chắc và bên ngoài là khu vực ngoại vi yếu kém hơn".
Một kịch bản như vậy không phải là điều mọi người mong muốn, đặc biệt là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet. Phát biểu ở Hy Lạp, Jean-Claude Trichet mô tả nhận định về khả năng các mắt xích yếu trong liên minh có thể bị tách khỏi khu vực đồng Euro như là một "giả thuyết ngớ ngẩn". Tại Davos, Jean-Claude Trichet đã nhắc lại rằng sự bùng nổ của xu hướng thâm hụt ngân sách là vấn đề chung của "cả hai bên bờ Đại Tây Dương". Ngoài ra, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức thâm hụt ngân sách trung bình của các nước trong khu vực đồng Euro, tuy tương đương với 6% GDP nhưng vẫn thấp hơn so với Mỹ và Anh. Đó là chưa nói đến Nhật Bản, nước phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới. Mới đây, cơ quan định giá tài chính quốc tế Standard & Poor's đã chuyển mức đánh giá từ "ổn định" sang "tiêu cực" đối với các khoản nợ dài hạn của nước này.
Dù có nhiều cách giải thích, nhưng sự kém cói của nền kinh tế Hy Lạp và sự thiếu nhất trí trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia, đã làm cho đồng tiền chung được sử dụng ở gần một nửa quốc gia trong EU, mất đi một phần giá trị. Và trái lại, đồng USD, đang trong giai đoạn giảm giá kéo dài, lấy lại được một phần phong độ của mình trên thị trường tiền tệ thế giới. và điều này là có lợi trên quy mô toàn cầu, vì đồng USD tăng giá cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới đang tăng lên./.