Đồng loạt áp dụng dịch vụ công mức độ 3 cấp phường

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 7 tháng thí điểm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 cấp phường trong lĩnh vực tư pháp và liên thông thủ tục hành chính (TTHC) tại 24/24 phường tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm, từ ngày 10/8/2016, TP sẽ chính thức nhân rộng hệ thống này ra cả 144 phường của 10 quận còn lại.

Theo khảo sát, các đơn vị đã cơ bản sẵn sàng mọi điều kiện để vận hành hệ thống theo đúng chỉ đạo.

Sẵn sàng về con người, cơ sở vật chất

Thực hiện chỉ đạo của TP, ngày 5/8, Sở TT&TT đã hoàn thành rà soát hệ thống mạng WAN, trung tâm dữ liệu, tổng đài tin nhắn, máy tính hoạt động ổn định tại các phường; đồng thời tập huấn và cấp tài khoản cho các cán bộ, công chức (CB, CC) tham gia sử dụng phần mềm tại UBND các quận, phường.

Để triển khai tại 20 phường đúng tiến độ, từ đầu tháng 8, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu Văn phòng HĐND & UBND quận bảo đảm mọi điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) tại UBND quận để thực hiện các DVCTT, phối hợp với Phòng VH-TT rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị CNTT tại các phường. Cùng với chuẩn bị cán bộ bảo đảm trình độ, UBND các phường cũng phối hợp đơn vị liên quan rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT; chủ động bố trí đường truyền, máy in kết nối với máy tính của công chức tiếp nhận TTHC lĩnh vực tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch…
Cán bộ phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tra cứu thông tin trên máy. Ảnh: Duy Thành
Cán bộ phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tra cứu thông tin trên máy. Ảnh: Duy Thành
Giống như nhiều phường khác của quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính đã cử 4 cán bộ tham gia khóa đào tạo do TP tổ chức để được trang bị kỹ năng cơ bản triển khai phần mềm. UBND phường cũng được TP cấp cho 2 máy tính tại 2 bộ phận Một cửa, Tư pháp để tác nghiệp, kết nối với mạng nội bộ của TP. Tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), Phó Chủ tịch UBND phường Đinh Trọng khẳng định: Mọi điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất đã sẵn sàng. Cùng với cử cán bộ dự đào tạo, lãnh đạo phường cũng quán triệt chủ trương của TP trong việc ứng dụng CNTT, triển khai DVCTT đến mọi CB, CC trong phường để sẵn sàng bắt tay vào việc.

Rút kinh nghiệm thí điểm, tăng hiệu quả tuyên truyền

Chỉ trong thời gian ngắn vận hành hệ thống DVCTT mức 3 cấp phường, quận Long Biên có trên 1.500 hồ sơ “chạy” thực tế trên cùng hệ thống; riêng tháng 7/2016 có 170 hồ sơ được nhận trực tuyến, đạt 62% tổng hồ sơ tiếp nhận. Việc thực hiện Thông tư 05 về liên thông TTHC rút ngắn thời gian giải quyết từ 20 ngày còn 5 ngày; công dân không còn đến 3 cơ quan mà chỉ một lần đến UBND phường. Điều này đủ khẳng định hệ thống cơ bản đáp ứng yêu cầu để thực hiện, và chủ trương của TP bước đầu hợp với nhu cầu người dân.

Dù đạt kết quả thí điểm khả quan, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú nhận định: Quá trình triển khai tại các quận thể hiện hạn chế trong nhận thức của một số CB, CC về ứng dụng CNTT, nếu không thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thiết bị, phần mềm đã đầu tư. Trang thiết bị tại một số cơ sở cũng chưa đồng bộ, như máy in, máy quét… Trước thực trạng này, trong tháng 8, Sở sẽ khảo sát đề xuất phương án tổ chức mua sắm trang thiết bị đầu cuối (máy trạm, máy in…) để triển khai diện rộng. TP cũng yêu cầu 100% phường quán triệt chủ trương của TP đến mọi CB, CC để thực hiện nghiêm túc, lãnh đạo UBND quận và phường chịu trách nhiệm về hiệu quả triển khai tại đơn vị. Ngoài cổng thông tin điện tử quận, UBND các phường cần tuyên truyền đến tận điểm sinh hoạt cộng đồng; tăng bố trí cán bộ, thanh niên, thiết bị hỗ trợ người dân nhập hồ sơ trực tuyến...

Từ thực tế tại cơ sở, Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lưu Xuân Trịch đề xuất: TP cần quy định rõ cơ chế phối hợp để liên thông giữa Công an - Bảo hiểm xã hội - UBND phường thật nhịp nhàng, rõ trách nhiệm, không “ngồi chờ” nhau mà luôn chủ động giải quyết nhanh nhất cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thế Hùng, cán bộ phường không gặp nhiều vướng mắc khi nhận nhiệm vụ mới, song hiệu quả thực tế đến đâu còn phụ thuộc các bước sau này, trong đó có việc công dân sẽ được tuyên truyền thế nào về lợi ích, cách sử dụng… “TP nên chỉ đạo quận, phường tập huấn cho tổ trưởng dân phố để tuyên truyền đến người dân; tăng trách nhiệm của CB, CC Một cửa, chỉ dẫn cho người dân… Giống như mua hàng online, chọn cách truyền thống hay trực tuyến là quyền của người dân, nhưng nhờ việc tuyên truyền sáng tạo, họ thấy tác dụng thực tế của DVCTT thì sẽ dần thay đổi thói quen” - ông Hùng nhận định.