Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực của phát triển

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như lời dạy của Bác, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”, những năm qua, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện, tạo ra hiệu quả thực tiễn, thúc đẩy động lực phát triển.

Nâng cao cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: Hải Linh
Nâng cao cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: Hải Linh

Thể hiện ở nhiều lĩnh vực

Trong thời gian qua, học và làm theo Bác, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo ra sự đồng thuận trong thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của từng địa phương cũng như cả nước. Việc thực hiện được thể hiện ở nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực.

Nhìn tại Hà Nội có thể thấy, các cấp ủy Đảng đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh. Quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, phát huy, qua đó đã tạo bầu không khí dân chủ cởi mở hơn trong xã hội, người dân tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Điển hình như, từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức gần 600 hội nghị, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát trên 1,3 triệu tài liệu pháp luật cho người dân để tuyên truyền những quy định mới liên quan đến dân chủ, dân sinh…

Cũng trong thời gian này, các Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức gần 2.600 cuộc giám sát, phát hiện 167 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 162 vụ; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát trên 3.300 vụ, phát hiện và kiến nghị các cơ quan xử lý 42 vụ... Cấp huyện đã tổ chức 41 hội nghị đối thoại đột xuất, 4 hội nghị đối thoại định kỳ; cấp xã tổ chức 87 hội nghị đối thoại định kỳ và 261 hội nghị đối thoại đột xuất.

Giảm bớt những mâu thuẫn

Tại các quận, huyện, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với người dân.

Như tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Tâm cho biết, nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã được Nhân dân bàn bạc, tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền tháo gỡ. Đồng thời, những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy; tình làng nghĩa xóm được duy trì; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được thực hiện hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” ngày càng hoàn thiện và đi vào nền nếp... Nhờ đó, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, kể từ khi có các chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở, UBND phường đã chủ động đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân; tôn trọng, lắng nghe và chân thành tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Người dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức trách nhiệm của công dân cũng ngày càng nâng cao.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ tại DN đã và đang được áp dụng, thực hiện sâu rộng. Những quy định về dân chủ ở cơ sở đều được DN tuân thủ, tạo sự đồng thuận, giảm bớt những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa người lao động và chủ DN nước ngoài, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Để việc phát huy dân chủ ở cơ sở hiệu quả hơn, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, cần có thêm nhiều hơn “diễn đàn dân chủ của Nhân dân”, thể hiện bằng việc người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối thoại thường xuyên đối thoại với dân. Tại đây, người dân được quyền nói, quyền bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng một cách thẳng thắn trước các vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích trực tiếp của mình.

Các diễn đàn này không chỉ giúp kịp thời giải quyết nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc, tạo nên bầu không khí cởi mở, đồng thuận, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của dân, mà còn là cơ hội để các cấp ủy, chính quyền có thể thấy rõ người dân cần gì, đang quan tâm đến vấn đề gì để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, đúng như tư tưởng “trọng dân, vì dân” của Bác.