Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và các đoàn thể, người dân ven đô đã có cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ dân ven đô đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Yến Ngọc
Vốn vay sử dụng đúng lúc, đúng chỗ
Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống người dân, các huyện ven đô luôn chú trọng đến công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm; đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy không nặng nề như bà con vùng sâu, vùng xa, nhưng khoảng cách giàu nghèo tại khu vực này còn khá lớn. Trước thực tế đó, NHCSXH huyện Mê Linh đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chỉ đạo các tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) và chủ dự án để đôn đốc cho vay trực tiếp. Hoạt động tín dụng ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có hiệu quả rõ rệt. Qua kiểm tra, đánh giá, các hộ gia đình vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, cải thiện cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 3.000 hộ nghèo được vay vốn, thu hút và giải quyết việc làm cho 831 lao động, xây dựng và cải tạo được trên 3.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 4.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi phí học tập.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mê Linh Nguyễn Văn Thắng nhận định: Việc trợ giúp người nghèo các xã có diện tích đất thu hồi lớn trên địa bàn như xã Mê Linh, thị trấn Minh Quang, xã Đại Thịnh… trong nhiều năm qua là bài toán nan giải. Song, chúng tôi đã nỗ lực chuyển tải vốn vay của chương trình đến đúng đối tượng được thụ hưởng, giúp họ sử dụng đồng vốn hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực".
Đáp ứng nhiều mục tiêu
Tại NHCSXH huyện Đông Anh, từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt trên 167,6 tỷ đồng với 14.989 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 7,3 tỷ đồng so với năm 2011 và đạt 98,43% kế hoạch năm 2012. Với 5 chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách, đơn vị đã triển khai tốt các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn; hoạt động nghiệp vụ tại các điểm giao dịch diễn ra đúng quy định. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đông Anh Nguyễn Thị Sính cho biết: "Nguồn vốn của chúng tôi hướng vào 5 mục tiêu: Cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch - vệ sinh môi trường, học sinh - sinh viên, hộ nghèo xây nhà. Lĩnh vực nào cũng phải đảm bảo 100% các khoản vay được kiểm tra kỹ trước khi giải ngân, thông qua việc kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể. Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn cho bà con những mô hình sản xuất mới để đầu tư vốn hiệu quả".
Theo Giám đốc NHCSXH TP Bùi Quang Vinh, nông dân ven đô trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang mục đích khác có sự xáo trộn nhất định, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo. Giúp nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định là thách thức lớn, vì nhu cầu vay vốn, giải quyết việc làm ở các địa phương này thường cao và bức xúc hơn các huyện thuần nông. Tuy nhiên, trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành, UBND TP quyết định phân bổ vốn cho các huyện, NHCSXH chỉ là đơn vị thực thi giải ngân tới cơ sở nên nhiều khi bị động. Để nguồn vốn ưu đãi đến với nông hộ nhanh hơn, thuận lợi hơn, ông Vinh đề nghị TP nên có cơ chế xem xét lại việc phân bổ vốn chính sách cho các quận, huyện, trên cơ sở thực tế hoạt động, kiểm tra, giám sát đồng vốn của NHCSXH. Đơn vị nào giải ngân tốt, đồng vốn phát huy hiệu quả, hạn chế nợ xấu, phát sinh… và huyện có nhiều dự án thu hồi đất trọng điểm sẽ được ưu tiên.