Đồng Nai: Hai “kịch bản” tiêu thụ nông sản trong "mùa" Covid-19

TRƯƠNG HIỆU
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng Nai vừa triển khai “Kịch bản tiêu thụ nông sản trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, nhằm hỗ trợ nông dân, thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa tích cực phòng chống dịch.

Trên 500.000 tấn nông sản cần tiêu thụ
Theo báo cáo từ các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai, tổng sản lượng nông sản cần tiêu thụ trên phạm vi toàn tỉnh, trong tháng 7 và tháng 8/2021, ước tính trên 500.000 tấn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, đây là một trong những vấn đề nan giải. Thực trạng này đòi hỏi ngành nông nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nhóm nông sản chủ lực của tỉnh, thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Hiện tại, nhóm sản phẩm trồng trọt, tỉnh cần hỗ trợ 4 sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch hoặc sắp vào vụ thu hoạch với sản lượng ước 360.000 tấn, gồm: bưởi, chôm chôm, chuối già Nam Mỹ, thanh long. Nhóm sản phẩm từ chăn nuôi, gồm: thịt lợn, thịt gà và thịt bò ước khoảng 130.600 tấn. Đối với sản phẩm từ thủy sản, như cá lóc, rô phi, diêu hồng, cá trắm, cá chép… sản lượng tiêu thụ ước tính 6.400 tấn.

Từ tháng 6/2021 Công đoàn Cơ sở Sở NN&PTNT đã phát động chương trình ''chuyến xe nghĩa tình'' và ''quầy hàng 0 đồng'' đã giúp cho người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai thêm kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và hàng nông sản.

Ông Nguyễn Hữu Danh - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Đồng Nai cho biết: “Từ thực tế nhu cầu tiêu thụ sản lượng nông sản, thủy sản của toàn tỉnh Đồng Nai như vậy, chúng tôi đã đặt ra yêu cầu về công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương có nông sản đang vào mùa thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8/2021. Theo đó, phải tuyệt đối an toàn, bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai”. 

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Danh, việc triển khai các “kịch bản” này có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành của tỉnh, địa phương và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ. Đảm bảo thuận lợi, linh hoạt, chủ động, phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, phạm vi quản lý. Các vùng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi trên toàn tỉnh Đồng Nai hiện đang vào thời vụ thu hoạch. Nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, an toàn dịch bệnh được người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Hai kịch bản, một mục tiêu
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã xây dựng phương án tiêu thụ nông sản cho nông dân gồm hai kịch bản.
Thứ nhất, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nông sản sẽ vẫn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước thuộc thị trường khó tính (Hàn Quốc, Mỹ, Nhật…). Đồng thời, hoạt động thu mua nông sản của các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại diễn ra bình thường. Các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đóng cửa nhưng vẫn tiếp nhận và trung chuyển hàng nông sản, các chợ truyền thống vẫn hoạt động... Vì vậy, mục tiêu sản lượng nông sản được tiêu thụ trong 2 tháng 7 và 8/2021 vẫn là hơn 500.000 tấn nông sản các loại, trong đó, sản phẩm từ trồng trọt 367.000 tấn, chăn nuôi 130.600 tấn, thủy sản 6.400 tấn.

Dự kiến thị trường tiêu thụ trong nước, gồm kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối: Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền (TP Hồ Chí Minh). Riêng chợ đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai), tiêu thụ 60.000-70.000 tấn nông sản (mỗi ngày các chợ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn, trong đó tiêu thụ nông sản của tỉnh Đồng Nai chiếm 30% - PV). Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại dự kiến tiêu thụ khoảng 100.000 tấn nông sản.

Song song đó, số lượng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử dự kiến khoảng 40.000 tấn nông sản. Nông sản trên địa bàn tỉnh (ngoài Chợ đầu mối Dầu Giây) tập trung chủ yếu tại 30 doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nông sản lớn (dự kiến tiêu thụ khoảng 150.000 tấn nông sản, chiếm 30% sản lượng thuộc mặt hàng trồng trọt và chăn nuôi).

Ngoài ra, các chợ truyền thống của tỉnh dự kiến tiêu thụ 30.000 tấn nông sản. Và dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc… 110.000 tấn nông sản.

Thứ hai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dai dẳng, ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong hoàn cảnh đó, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng nông sản trực tiếp tiêu thụ tại chợ đầu mối giảm; hệ thống chợ truyền thống đóng cửa. Khả năng không xuất khẩu được sản phẩm. Chợ đầu mối vẫn tiếp nhận và phân phối nhưng sản lượng giảm khoảng 50% so với “kịch bản 1”.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Đồng Nai đã thiết lập nhiều kênh phân phối trong và ngoài nước giúp tiêu thụ hàng hóa nông sản (chuối Nam Mỹ, thanh long, chôm chôm…).

Với tình huống như vậy, hệ thống siêu thị nhu cầu tiêu thụ nông sản sẽ được tăng 30% do đẩy mạnh bán hàng qua hệ thống online trực tuyến. Đối với các cơ sở chế biến đẩy mạnh khâu chế biến và dự trữ nông sản tăng lên khoảng 30%. Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua kết nối với các tỉnh thành trong cả nước. Như vậy, sản lượng nông sản được tiêu thụ trong 2 tháng 7 và 8/2021 vẫn là trên 500.000 tấn nông sản các loại. Trong đó, sản phẩm từ trồng trọt 367.000 tấn, chăn nuôi 130.600 tấn, thủy sản 6.400 tấn.
Thị trường trong nước vẫn là kênh tiêu thụ tại các điểm tập kết, thu mua có kiểm soát an toàn dịch bệnh của chợ đầu mối: Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), Dầu Giây (Đồng Nai) và một số điểm của chợ truyền thống dự kiến tiêu thụ 40.000 tấn nông sản.

Kênh các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại dự kiến tiêu thụ khoảng 130.000 tấn nông sản (đẩy mạnh bán hàng qua hệ thống online). Các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nông sản lớn (tăng công suất chế biến và tăng dự trữ nông sản) dự kiến tiêu thụ khoảng 200.000 tấn và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua kết nối với các tỉnh thành trong cả nước dự kiến khoảng 130.000 tấn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần