Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: thịt heo bị bệnh chết được làm giò chả bán khắp miền Tây

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng tấn thịt heo bệnh, chết bốc mùi hôi thối được những cơ sở giết mổ trái phép thu gom với giá rẻ bèo rồi mang đi khắp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương Tiền Giang… để cung cấp cho các quán ăn, các cơ sở làm giò chả, heo quay, nem nướng, lạp xưởng.

Hàng tấn thị heo chết vì bệnh heo tai xanh đã được các cơ sở giết mổ trái phép ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành.
Hàng tấn thị heo chết vì bệnh heo tai xanh đã được các cơ sở giết mổ trái phép ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành.

Ngày 28/10/2024, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra đối với cơ sở giết mổ trái phép do ông Lê Văn Tiến (sinh năm 1985, ngụ tại ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm chủ. Tại nơi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 4,3 tấn thịt heo đều ở trạng thái bầm, tím, có mùi hôi thối.

Heo thối mang đi bán ở Bình Dương, Tiền Giang…

Ông Lê Văn Tiến cho biết ông tiến hành thu gom, mua heo đã chết về giết mổ, pha lốc làm thực phẩm bán cho người dân. Để phục vụ hoạt động giết mổ heo, ông Tiến thuê mướn một số người phục vụ các công đoạn: lái xe đi thu gom mua heo bệnh, heo chết và mang heo đi tiêu thụ.

Số thịt heo, lòng thối được phát hiện tại cơ sở giết mổ do ông Lê Văn Tiến (ngụ ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai) làm chủ.
Số thịt heo, lòng thối được phát hiện tại cơ sở giết mổ do ông Lê Văn Tiến (ngụ ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai) làm chủ.

Sau khi pha lốc heo chết, nhân viên làm thuê cho ông Tiến mang heo đi “cung cấp cho chị Tường Vy để làm nem nướng, cung cấp cho anh Hùng, anh Minh để chế biến giò chả tại tỉnh Bình Dương”.

Quá trình làm việc tại cơ sở giết mổ, các người làm thuê cho biết: “Toán được cùng anh Sơn (tài xế xe ô tô 60C-597.84) đi giao thịt heo. Ngày 18/10/2024 giao thit heo cho cơ sở chế biến lạp xưởng ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) với số lượng 700 ký thịt. Ngày 25/10/2024 giao thịt heo cho quán ăn Phú Trọng ở tỉnh Bình Dương với số lượng 500 ký”.

Người đàn ông tên Toán kể tiếp: “Đồng thời 2 ngày tôi thấy xe heo chết về trại của ông Lê Văn Tiến, cụ thể ngày 19/10/2024 xe ô tô 60H-086.28 chở về 900 ký heo chết (do ông Toán phụ ông Đức cân lại nên ông nhớ rõ số lượng). Và ngày 22/10/2024 xe ô tô 60C-597.84 chở về 8 con heo chết. Những số heo chết này được anh Huy pha lốc thành 4 mảnh, sáng hôm sau anh Huy cho thịt vào các khay rồi bỏ lên xe tải mang đi tiêu thụ ngoài thị trường”.

Những thông tin khá thản nhiên của nhóm người chuyên giết mổ heo bệnh heo chết cung cấp ra thị trường khiến cho người nghe không khỏi… ớn lạnh. Và điều kinh ngạc hơn, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ heo, toàn bộ số thịt heo trên đã bốc mùi hôi thối.

Ông Lê Văn Tiến chủ cơ sở giết mổ này không cung cấp được giấy phép đăng ký giết mổ động vật do cơ quan có thẩm quyền cấp; không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y; không cung cấp được hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc của số thịt heo trên; chủ cơ sở và nhân viên chế biến thực phẩm không có giấy khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Thu lợi khủng bất chấp pháp luật và lương tâm

Trước đó, ngày 24/9/2024, Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cũng phát hiện và xử lý một cơ sở thu gom hơn 3,3 tấn thịt heo hôi thối, tím tái, từ các trang trại chăn nuôi, chuẩn bị phân phối cho những người có nhu cầu. Số heo này đã được xác nhận mắc bệnh tai xanh.

Cụ thể, Công an huyện Trảng Bom kiểm tra cơ sở sơ chế thịt heo tại xã Sông Trầu do ông Hồ Thượng Trung (sinh năm 1981, trú tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) làm chủ và phát hiện số thịt heo trên đã bốc mùi hôi thối, tím tái. Theo kết quả xét nghiệm trong số thịt heo này phát hiện vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) chủng Bắc Mỹ, hay còn gọi là bệnh tai xanh.

Số heo bị bệnh dịch tả tai xanh được cơ sở giết mổ trái phép của ông Hồ Thương Trung thu gom mua về mổ lấy thịt ra bán cho những người cần và làm thức ăn chăn nuôi.
Số heo bị bệnh dịch tả tai xanh được cơ sở giết mổ trái phép của ông Hồ Thương Trung thu gom mua về mổ lấy thịt ra bán cho những người cần và làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Hồ Thượng Trung khai nhận đã mua toàn bộ số heo đã chết từ một số trang trại chăn nuôi ở các huyện Thống Nhất và Long Thành vào ngày 23 và sáng 24/9/2024. Sau đó, ông Trung mang số heo chết về nhà để sơ chế thịt và phân loại để bán cho những người có nhu cầu.

Ông Trung thừa nhận biết rằng heo đã chết do bệnh, nhưng không biết cụ thể là bệnh gì. Được biết, giá heo bệnh ông Trung mua được tùy loại (từ 20 ký đến 50 ký) có giá dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/con.

Có một thực tế, vì lợi nhuận khi mua heo bệnh, heo chết với giá cả cực thấp (chỉ dưới 300.000 đồng/con), nhưng khi về mổ thịt mang ra bán chi thị trường để làm heo quay, giò chả, lạp xưởng… thì những nhóm người giết mổ heo trái phép thu về lợi nhuận khủng (từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/con heo). Vì sức hút mạnh mẽ của việc thu lợi bất chính nên những nhóm kinh kinh doanh giết mổ heo đã bất chấp các quy định của pháp luật và lương tâm đạo đức con người.

Phát hiện và xứ lý còn gặp nhiều khó khăn…

Trao đổi với Báo Kinh tế và Đô thị, một cán bộ Trạm chăn nuôi thú y huyện Trảng Bom cho biết, việc các hộ, nhóm lén lút kinh doanh đi thu gom, mua các heo dịch bệ từ các trang trại chăn nuôi về để giết mổ làm thức ăn chăn nuôi và bán cho những người có nhu cầu đã tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên việc cơ quan chức năng phát hiện và xứ lý còn gặp nhiều khó khăn.

Tại cơ sở giết mổ heo trái phép của ông Lê Văn Tiến (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), lực lượng chức năng kiểm tra số thịt heo bệnh chết đã được mổ thịt cất vào tủ đá chờ ngày mang đi tiêu thụ.
Tại cơ sở giết mổ heo trái phép của ông Lê Văn Tiến (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), lực lượng chức năng kiểm tra số thịt heo bệnh chết đã được mổ thịt cất vào tủ đá chờ ngày mang đi tiêu thụ.

Nhưng khi đề cập vai trò trách nhiệm của lực lượng cán bộ chuyên trách của Trạm chăn nuôi thú y huyện, thì cán bộ Trạm này cho biết: “Khả năng của chúng tôi không thể bao quát hết được. Vì vậy, để xử lý được tình trạng bất cập kinh doanh heo dịch bệnh, cần có sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ các cấp lãnh đạo, sự thống nhất, đồng bộ của các cơ quan chuyên môn”.

Ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua Chi cục đã phố hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan gia tăng công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ động vật. Trong quá trình đó cũng đã phát hiện những vụ việc cơ sở giết mổ trái quy định.

“Tuy nhiên, về tính chất xử lý vi phạm thì cũng phải áp dụng theo các quy định pháp luật, nếu vụ việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như vi phạm làm lây lan dịch bệnh, hành vi vi phạm nghiêm trọng dẫn đến chết người… thì cơ quan chức năng buộc phải khởi tố hình sự để xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe, ngăn chặn được tình trạng trên”.