Trong điều kiện cả tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND các cấp, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra rất căng thẳng. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2021, Ban chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Ban chỉ đạo tỉnh) đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh làm việc tại 4 huyện (Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Trảng Bom) về tình hình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời thực hiện đối với một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thành quả nông thôn mới năm 2021 và hạn chế…
Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cùng với những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, trong năm qua, Ban chỉ đạo tỉnh Chương trình xây dựng nông thôn mới địa phương này cũng đã thực hiện một số đề án về xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018 - 2025. Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với huyện Trảng Bom…
Năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nông thôn mới nâng cao thêm 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, vượt 2 xã so với mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 65/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã còn lại xây dựng kế hoạch, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt, bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 16,91 tiêu chí/xã, tăng 0,79 tiêu chí/xã so với cuối năm 2020 (cuối năm 2020 là 16,12 tiêu chí/xã).
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã đều xây dựng kế hoạch thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2021, tỉnh Đồng Nai có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 2 xã kiểu mẫu về lĩnh vực hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hộ nghèo. Lũy kế hết năm 2021, toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên một số nội dung công việc thực hiện chưa đảm bảo so với kế hoạch đề ra năm 2021, thực hiện đầu tư hạ tầng nông thôn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…
Thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2022
Ông Cao Tiến Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Bộ tiêu chí trong đó có các tiêu chí về môi trường, thu nhập bình quân đầu người, xã, thôn thông minh, nước sạch tập trung,… sẽ đặt ra yêu cầu cao trong quá trình thực hiện.
Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm 2022, cũng như kế hoạch thực hiện đến 2025, Ban chỉ đạo Nông nghiệp nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai xác định trong năm 2022 có thêm ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, nâng cao chất lượng, năng lực bộ phận tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo các cấp, nhất là hệ thống Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp, công chức phụ trách nông thôn mới cấp xã, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong chỉ đạo, thực hiện Chương trình giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Nội dung tập huấn, tuyên truyền tập trung vào các cơ chế chính sách, mục tiêu, định hướng, các nội dung mới, các Bộ tiêu chí của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Nhân rộng và phát huy các hình thức tuyên truyền đã có hiệu quả (hội thi), thực hiện các hình thức, nội dung tuyên truyền mới phù hợp với tình hình, đặc điểm của các địa phương.
Theo ông Cao Tiến Sỹ, việc triển khai thực hiện phải đạt hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh đối với các đề án, dự án thành phần thuộc Chương trình giai đoạn 2021- 2025. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn xác định xây dựng nông thôn mới phải lấy đời sống người dân nông thôn làm thước đo.
Do đó, việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất; đồng thời phát triển sản xuất theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị nông sản… nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.
Tại Đồng Nai, xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, đồng nghĩa với việc không cho phép tâm lý chủ quan với kết quả đã đạt được, mà lấy đó làm động lực, tiếp tục đẩy mạnh phát triển. Vì vậy, Đồng Nai tiếp tục tập trung phục hồi phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao thu nhập người dân nông thôn và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thực hiện Chương trình.