Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Nam Á làm gì để tránh đi vào "vết xe đổ" khủng hoảng năng lượng?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo IEA, Đông Nam Á nên đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch để giảm sự phụ thuộc lâu dài vào nhiên liệu hóa thạch, vốn rất dễ biến động về giá và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol. Ảnh: Getty
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol. Ảnh: Getty

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo rằng, khu vực Đông Nam Á sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng do nhu cầu tăng cao, vì vậy cần đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài CNA đầu tuần này bên lề Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol hối thúc các nước Đông Nam Á rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Âu, do phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đã khiến giá năng lượng tăng kỷ lục khi đối mặt với tình trạng nguồn cung khan hiếm.

Theo lãnh đạo IEA, Đông Nam Á nên đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch để giảm sự phụ thuộc lâu dài vào nhiên liệu hóa thạch, vốn rất dễ biến động về giá và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước.

Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng “càng sớm càng tốt”

Giám đốc IEA nhấn mạnh rằng, khu vực Đông Nam Á nên học hỏi kinh nghiệm của châu Âu và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng, bao gồm cả dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ông Birol lưu ý: “Châu Âu đã mắc sai lầm, mặc dù IEA đã khuyến nghị trong nhiều năm và cảnh báo rằng không nên dựa vào một nhà cung cấp chính duy nhất cho bất kỳ mặt hàng năng lượng nào. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết khí đốt, và phần lớn nguồn cung dầu mỏ của châu Âu đều đến từ một quốc gia duy nhất, đó là Nga”.

Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine, nguồn cung năng lượng của Nga đã giảm mạnh trong những tháng gần đây và các nước châu Âu đang phải vật lộn để tìm nguồn cung thay thế. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng, Đức - nền kinh tế châu Âu, đã tái khởi động một nhà máy than vào tháng 8 vừa qua, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu than để duy trì hoạt động của các nhà máy điện.

Các nước châu Âu đang phải vật lộn để tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga. Ảnh: AP
Các nước châu Âu đang phải vật lộn để tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, quan chức IEA nói thêm, việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến các quốc gia dễ đối mặt với tình trạng biến động giá vượt ngoài tầm kiểm soát. Chính vì vậy, ông cho rằng giải pháp tốt nhất trong những trường hợp như vậy là chuyển sang các lựa chọn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, thủy điện và năng lượng sinh học và sử dụng các phương tiện sạch như ô tô điện.

Tia hy vọng giữa khủng hoảng

IEA vẫn tin rằng, các hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn hoàn toàn có thể giúp các quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Ông Birol khẳng định, việc nhiều nước trên thế giới xoay trục sang nhiên liệu hóa thạch truyền thống chỉ là những phương án khẩn cấp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Tuy nhiên, những giải pháp ngắn hạn sẽ không làm thay đổi con đường dẫn đến năng lượng sạch hơn về lâu dài.

Theo lãnh đạo IEA, nhìn chung vẫn có một sự thúc đẩy lớn trong việc áp dụng năng lượng sạch trên toàn cầu. Ông Birol cho biết, điều này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính là an ninh năng lượng, cam kết khí hậu và các quốc gia thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch vì lý do chính sách công nghiệp.

Ông Birol chỉ ra Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc là những ví dụ mà các chính phủ đang đưa ra các ưu đãi về thuế, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác nhau để khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. “Khi tôi nhìn vào những con số mà IEA theo dõi hàng ngày, tôi thấy rằng năm nay chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng chưa từng có trong năng lượng tái tạo với hơn 20%, đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử” - Giám đốc IEA cho hay.

Ngoài ra, ông Birol cho rằng với sự gia tăng mạnh mẽ việc sử dụng ô tô điện trên khắp thế giới, trong thời gian không lâu nữa, mỗi chiếc xe thứ hai được bán ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ là xe điện. “Những gì chúng ta chứng kiến sẽ là bước ngoặt cho một tương lai năng lượng tốt hơn, sạch hơn và an toàn hơn” - ông Birol nhấn mạnh.