Dòng sông Hoa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày áp Tết của một năm đã xa lắm. Chuyến tàu từ xứ Lạng xuôi về chầm chậm lăn bánh qua đoạn cầu sắt phía trên phố Hàng Cót.

Một giọng con gái rất thanh thốt lên khe khẽ, lẫn trong tiếng bánh sắt rin rít, đều đều trên đường ray: “Trời ơi, đúng là một dòng sông hoa!”. Nhoài người qua khung cửa, cô gái để mặc cho mưa bụi rắc những hạt li ti trên mái tóc nhìn xuống chợ hoa bên dưới, không biết rằng có cặp mắt con trai Hà Nội đang chăm chắm nhìn mình…

 
Dòng sông Hoa - Ảnh 1

 
Chợ hoa Tết Hà Nội bắt đầu từ cuối phố Hàng Cót, qua Cống Chéo - Hàng Lược xuống đến ngã năm Hàng Mã, Hàng Lược, Chả Cá, Thuốc Bắc. Vào những ngày 29, 30 Tết, người bán, kẻ mua đông đúc, nhộn nhịp; hoa tràn ra các phố Phùng Hưng, Hàng Khoai, Hàng Rươi… rồi ngược lên vườn hoa Hàng Đậu, sang cả phố nhà binh Lý Nam Đế. Bạt ngàn hoa là thế, nhưng riêng hoa đào chỉ tụ ở cuối phố Hàng Cót, đầu Hàng Lược cho đến chỗ Cống Chéo xưa. Từ trên đoạn cầu dẫn bắc ngang phố Hàng Cót nhìn xuống, chợ hoa đào ngày tết như một dòng sông màu hồng thắm đang trôi giữa đôi bờ phố cổ rêu phong, nhất là vào một chiều cuối năm khi thành phố đã lên đèn hay một sáng mưa bụi giăng mờ mặt phố. Chợ hoa Tết là nơi khoe sắc của đủ loại hoa với muôn tía nghìn hồng, nhưng hoa đào vẫn cứ là bà chúa của hoa xuân Hà Nội. Giống như mai vàng xứ nóng phương Nam, xuân xứ Bắc, xuân Hà Nội với rét ngọt mưa rây không thể thiếu những cành đào. Lựa được cành đào Tết ưng ý, không chỉ có nghĩa làm thêm đẹp nhà cửa ngày xuân mà còn là dấu hiệu của sự may mắn sẽ đến trong năm mới.

Chỉ một cành đào Tết thôi, có khi phải đi vòng quanh chợ đến năm, bảy lượt mới mua được, dù xung quanh toàn những đào là đào. Bởi mua đào Tết khó lắm. Cơ man ra đấy, nhưng ngoài những tiêu chuẩn chung như phải tươi, có lộc, có nụ, hoa to mà sắc thắm…, cành đào Tết của mỗi nhà còn phải hợp với không gian dùng làm nơi tiếp khách của gia đình, với cái lọ độc bình sẽ cắm đào, và nhất là với sở thích, với cái “gu” của ông chủ. Thông thường, đào bán ở chợ hoa Tết Hà Nội là giống đào bích Nhật Tân. Khách mua thường thích những cành đào có dáng tròn đều, tay đào mập, nhiều nụ, hoa to… Vài ông khó tính lại không “chịu” được những cành đào tròn, hoa nụ chi chít có dáng cái nơm úp cá. Hoa và nụ có thể không nhiều nhưng phải đều và mập. Lộc có đấy nhưng chỉ vừa đủ chứ không thể quá tươi tốt, sum suê. Rồi từng nhánh, từng tay phải tỏa ra, phải vươn lên một cách hợp lý, tạo một dáng vẻ thanh tao cho cành đào ngày xuân. Người sành chơi còn ngắm nghía phán đoán chấm nụ nào, mầm lộc nào sẽ nở, sẽ nhú vào đúng lúc Giao thừa hay sáng mồng Một. Tìm được cành đào ưng ý nhiều khi còn là cái duyên của mỗi người. May thì gặp, nếu không đành chịu. Lắm ông kỹ tính, dạo chợ non buổi chiều rồi lại về không mà than phiền năm nay mình không có duyên chơi đào. Có lẽ cũng vì thế mà người Hà Nội gốc hay gọi là đi “sắm” đào Tết, chứ ít khi nói là đi mua đào…

Góp mặt vào chợ đào tết, ngoài đào bích Nhật Tân đỏ thắm, thảng hoặc còn có đôi cành đào phai. Đào phai thường là những cành đào có dáng tự nhiên, chiết ra từ gốc đào già, ít khi nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Lại có những cây đào từ Mộc Châu, Sơn La… mang về. Được buộc trên mui hay đằng trước những chiếc xe còn đỏ bụi đường trường tưởng như không còn lá, hoa gì nữa. Vậy mà chỉ cần sau một buổi được cắm trong bình, nó đã hồi sức, nảy nụ, đâm chồi, đem một nhánh xuân của núi rừng phía Bắc về giữa lòng Hà Nội. Vài tết nay, chơi đào rừng dần trở thành một cái mốt của người Hà Nội. Thú chơi này khiến nhiều người e ngại một ngày nào đó, người ta chỉ có thể hoài niệm về những rừng đào Tây Bắc như đang tiếc nuối khi nhớ về một Dinh đào Nhật Tân…

 
Dòng sông Hoa - Ảnh 2

 
Chơi đào Tết, thường là đào cành, cắm trong các lọ độc bình bằng sứ, gốm hay đồng hun, quý và hiếm hơn nữa là đồng đen. Khoảng hơn chục năm lại đây, người Hà Nội bắt đầu chơi đào gốc, đào thế nhiều hơn. Có lẽ do kinh tế phát triển, nhà cửa rộng rãi nên có điều kiện bày những gốc đào to. Ở chợ đào Tết bày bán nhiều gốc đào to, muốn đem về phải thuê cả chuyến xích lô hay ô tô. Nhiều người cầu kỳ còn lên tận vườn để chọn, đặt từ đầu tháng Chạp. Cùng với đà phát triển của Hà Nội, chợ hoa Tết từ Cống Chéo, Hàng Lược đã tỏa ra nhiều nơi. Chợ Hôm, chợ Mơ, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, rồi chợ Bưởi, đường Láng… đâu cũng có chợ hoa, nhất là vào những ngày áp Tết. Mặc dù vậy, Cống Chéo – Hàng Lược vẫn là chợ hoa Tết truyền thống của Hà Nội. Tết một năm đã lâu, vì lý do thuận tiện giao thông, người ta dời chợ hoa Tết về đường Phùng Hưng. Vẫn đào, vẫn quất, vẫn trăm loài hoa lá, cây cảnh, nhưng sao trong cái không gian ấy nó cứ luễnh loãng thế nào. Vậy là Tết năm sau, chợ hoa lại quay về Cống Chéo với không gian truyền thống xa xưa. Cũng bởi vậy nên đến nay, khách đi trên những chuyến tàu Tết qua cầu Long Biên vẫn được thấy như đang trôi phía dưới một dòng sông hoa giữa lòng phố cổ. Chợt lẩn thẩn mà nghĩ rằng, đây có phải là một trong những điều cần cân nhắc khi xác định vị trí mới của cây cầu xe lửa mai này sẽ thay thế  cầu Long Biên đã hơn trăm tuổi…