Tân Hoa xã ngày 24/10 đưa tin, cơ quan lập pháp quốc gia Trung Quốc đã thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính cho năm 2023 lên khoảng 3,8% tổng sản phẩm quốc nội - cao hơn nhiều so với mức 3% đặt ra vào tháng 3 mà Chính phủ thường coi là giới hạn. Kế hoạch này bao gồm việc phát hành thêm trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trong quý 4 để hỗ trợ xây dựng và cứu trợ thiên tai.
Trung Quốc hiếm khi điều chỉnh ngân sách vào giữa năm - điều mà trước đây nước này từng làm sau thảm họa động đất ở Tứ Xuyên và sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990.
Mark Williams, kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics Ltd, nhận định: "Hỗ trợ tài chính bổ sung được phê duyệt lúc này là sự can thiệp cần thiết để ngăn chặn việc thắt chặt tài chính đột ngột ở Trung Quốc trong những tuần cuối năm".
Chứng khoán Trung Quốc phản ứng tích cực với các biện pháp hỗ trợ mới, mặc dù các nhà giao dịch vẫn nghi ngờ liệu đợt phục hồi này có bền vững hay không. Chỉ số CSI 300 chuẩn trong nước tăng tới 1,3% trước khi giảm bớt một số mức tăng, trong khi Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index có thời điểm tăng hơn 3%, mức cao nhất trong hơn một tháng.
Diễn biến ngày 25/10 đang mang đến cho các nhà đầu tư hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn có thể giảm bớt trên thị trường chứng khoán quốc gia Trung Quốc, vốn đã phải chứng kiến một số cột mốc nghiệt ngã trong tuần qua, bao gồm việc xóa sạch tất cả mức tăng của CSI 300 kể từ khi mở cửa trở lại hậu Covid-19.
Những thay đổi về ngân sách được đưa ra sau một loạt thông báo từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vốn có nhiệm vụ giám sát việc vay mượn của Chính phủ. Trước đó cùng ngày, ông Tập đã có chuyến thăm đầu tiên tới ngân hàng trung ương quốc gia kể từ khi trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc cách đây một thập kỷ.
Theo Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macronomics Ltd, khoản phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ sẽ góp phần kích thích tài chính bổ sung khoảng 0,8% GDP trong năm 2024, trước những trở ngại từ hoạt động xây dựng và phát triển bất động sản sụt giảm.
Tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ cũng có thể phản ánh sự thay đổi trong tư duy chính sách, bằng cách đặt thêm gánh nặng tài chính lên chính quyền trung ương, thay vì chính quyền địa phương đang không còn dư địa để tận dụng.
Theo thông báo hôm 24/10, Chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển vốn từ khoản vay bổ sung cho chính quyền địa phương để sử dụng cho các dự án trong năm nay và năm tới.
Các nhà lập pháp cũng gia hạn ủy quyền cho Hội đồng Nhà nước đến năm 2027 để giao trước một số hạn ngạch trái phiếu địa phương cho năm tới.
Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện quyết tâm hỗ trợ các chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề tài chính. Tháng trước, Chính phủ đã khởi động một chương trình cho phép các chính quyền khu vực đang gặp khó khăn đổi khoản vay ngoại bảng lãi suất cao lấy trái phiếu lãi suất thấp hơn.
Những lo ngại vẫn còn tồn tại trong khu vực tư nhân cũng là điểm khiến các cơ quan chức năng phải thực hiện quyết liệt. Hội đồng Nhà nước thậm chí đang kêu gọi công chúng chỉ điểm những trường hợp các cơ quan chính phủ áp dụng những khoản phạt tùy tiện, hoặc thiên vị các doanh nghiệp nhà nước hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch Tập cũng đích thân nhắc lại sự ủng hộ đối với khu vực tư nhân trong một lá thư gửi Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc vừa qua, trong đó kêu gọi tập hợp các doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ Đảng chặt chẽ hơn.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng tuyên bố sẽ đưa ra chính sách "có mục tiêu và mạnh mẽ hơn". Ông Phan cũng nhấn mạnh quan điểm dài hạn hơn về nền kinh tế, cho biết việc nới lỏng vẫn đang được cân nhắc và khẳng định chính sách đó sẽ tạo ra những điều chỉnh tốt theo chu kỳ.