Theo đó, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tập trung chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, ngành nghề nông thôn tập tập trung chủ yếu vào 5 nhóm: Chế biến và bảo quản nông, lâm thuỷ sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
Chương trình sẽ thu hút khoảng 436.009 lao động tham gia, trong đó lao động thường xuyên 14.031 người, lao động có tay nghề cao 7.335 người. Tổng số các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) khoảng 5.698 cơ sở, trong đó sản xuất hộ gia đình 5.630 hộ, chiếm 98,8%, doanh nghiệp, công ty chiếm 0,68%, tổ hợp tác (THT) chiếm 0,39%, hợp tác xã (HTX) chiếm 0,13%. Tổng doanh thu khoảng 98.961 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 4,7 triệu đồng/người/tháng (theo nhóm ngành nghề).
Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất khoảng 8 triệu đồng/lao động/tháng, nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt mai, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ thu nhập thấp nhất hơn 2 triệu đồng/người/tháng.
Đối với làng nghề, làng nghề truyền thống: Toàn Tỉnh hiện có 39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận theo quy định. Trong đó, có 21 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng như: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ,… Số cơ sở SXKD trong các làng nghề khoảng 3.278 hộ, với khoảng 7.884 lao động, trong đó 6.600 lao động thường xuyên, chiếm 83,71%. Tổng doanh thu của làng nghề khoảng 226,29 tỷ đồng. Số nghệ nhân trong làng nghề được công nhận là 33 người hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng. Nhìn chung, làng nghề hoạt động ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bức tử, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã lên kế hoạch bảo tồn và phát huy những làng nghề, làng nghề truyền thống mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận ít nhất 02 làng nghề, 01 nghề truyền thống; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP. Cùng với đó, phát triển 02 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; 100% các làng nghề được UBND tỉnh công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.