Đồng Tháp: Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 28/4, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo kết nối phát triển, nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh. Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành của tỉnh.

Đồng Tháp tổ chức hội thảo nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh Hữu Tuấn
Đồng Tháp tổ chức hội thảo nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh Hữu Tuấn

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong những năm trở lại đây du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp mới hình thành và phát triển, bước đầu đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương – con người – văn hóa Đồng Tháp.

Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh PV
Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh PV

Năm 2016, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp bắt đầu phát triển. Thời điểm ban đầu là phát triển tự phát, 05 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tiếp đến, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan.

Vườn xoài cũng là một trong những định hướng phát triển du lịch 
Vườn xoài cũng là một trong những định hướng phát triển du lịch 

Tại TP Cao Lãnh – Thủ phủ đất Sen hồng cũng đã xây dựng và phát triển được mô hình Làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ: du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng. Trong các mô hình du lịch cộng đồng, thành công nhất là các mô hình các hộ trồng hoa ở Làng hoa Sa Đéc (Vườn hồng Tư Tôn, Happy land Hùng Thy, Điểm tham quan Đài ngắm hoa – vườn hoa kiểng Ngọc Lan,..) homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Homestay Ngôi nhà Tre – Phong Levent là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn.

Quý hồng, xoài, sen, làng hoa ...đều được UBND tỉnh Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh Hữu Tuấn
Quý hồng, xoài, sen, làng hoa ...đều được UBND tỉnh Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh Hữu Tuấn

Đến nay, Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Trong đó, 8 Homestay; 02 Farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Từ năm 2016 đến 2022, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đón tiếp và phục vụ một số lượng lớn (trên 4,3 triệu) lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng.

Hiện tại, các huyện, thành phố tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển du lịch nông nghiệp gồm: Tháp Mười, Tam Nông, Lai Vung, TP Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành…

Tại buổi hội thảo nhiều doanh nghiệp làm du lịch mong muốn, tỉnh Đồng Tháp cần Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời, nhiều đại biểu cũng bày tỏ mong muốn tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống,… đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng.

Trong đó, tập trung chú trọng tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả, để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến và thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian tới, địa phương tập trung chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng đổi mới, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh nhiều hơn. Đồng thời, ông cũng mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng với tỉnh để đưa du lịch tỉnh vươn lên tầm cao mới.